Hà Nội – Điện Biện: Trọn nghĩa, vẹn tình (bài 3)
Bài 3: Ân tình Thủ đô trên miền biên viễnĐBP - Mỗi giai đoạn, thăng trầm của lịch sử, Điện Biên luôn có Hà Nội đồng hành, sẻ chia. Ân tình mãi được ghi nhớ và được 2 địa phương bồi đắp thêm sắt son, sâu nặng. Ngày nay, trong thời đại mới, Hà Nội vẫn tiếp tục trợ lực, giúp sức Điện Biên đi lên bằng nhiều hoạt động, công trình đầu tư, để lại những dấu ấn đậm nét trên miền biên viễn Tổ quốc.Bài 2: Mang no ấm về Mường ThanhBài 1: Cùng viết lên 'khúc khải hoàn
Tấm lòng đồng bào Thủ đô
Thời điểm này, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới, trong niềm vui lớn khi chuyển vào học tại ngôi trường khang trang, hiện đại. Đây là món quà mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Hà Nội dành tặng Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngôi trường đã được khánh thành vào ngày 25/4/2024 và đi vào hoạt động mùa khai giảng tới.
Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ tiền thân là Trường Cơ sở thị trấn Điện Biên, được đầu tư xây dựng vào năm 1984 bằng nguồn vốn của Xổ số kiến thiết Thủ đô. Khi ấy, đây là ngôi trường khang trang nhất, có điều kiện dạy và học tốt nhất của tỉnh Lai Châu (cũ). Đến năm 1994, trường chính thức được đổi tên thành Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ và giữ tên ấy đến bây giờ. Xứng đáng với sự quan tâm của nhân dân Thủ đô, các thế hệ thầy trò nhà trường đã vượt mọi gian khó, từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu trong phong trào thi đua khối tiểu học toàn thành phố. Hiện quy mô trường duy trì hàng năm trên 30 lớp với trên 1.300 học sinh.
Qua nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục của trường đã xuống cấp, chật hẹp... Bằng tấm lòng sẻ chia đáng trân quý của nhân dân Thủ đô, năm 2023, Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ được đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng mức 70 tỷ đồng (thành phố Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng, Điện Biên 5 tỷ đồng). Trong đó sửa chữa, cải tạo nhà bếp và phòng ăn học sinh bán trú; xây dựng mới nhà lớp học 4 tầng, nhà hỗ trợ học tập 2 tầng, nhà đa năng, sân khấu và nhiều hạng mục phụ trợ khác.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ khẳng định: “Công trình hoàn thành không chỉ có kiến trúc đẹp, hiện đại mà còn là một điểm nhấn trong hệ thống các trường học trên địa bàn. Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ được đưa vào sử dụng sẽ giúp đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập, giảng dạy cho giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phục vụ chiến lược đào tạo nhân lực có chất lượng tại địa phương”.
Cùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội còn là một trong những địa phương đóng góp lớn nhất cho Điện Biên triển khai Đề án hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ngay sau khi đề án ban hành, thành phố Hà Nội đã ủng hộ Điện Biên 300 ngôi nhà với số tiền 15 tỷ đồng, hiện thực hóa ước mơ tổ ấm vững chãi, tiếp sức cho nhiều hộ nghèo Điện Biên vươn lên. Cũng nhân ngày Đại lễ này, đoàn công tác TP. Hà Nội đã đến thăm và trao tặng Điện Biên 3 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn; Quận ủy Hoàn Kiếm và Nam Từ Liêm tặng huyện Điện Biên 2 tỷ đồng; Quận ủy Hoàng Mai tặng huyện Tuần Giáo 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà nội trú dân nuôi...
Mới đây nhất, sẻ chia với nhân dân Điện Biên trước mất mát, thiệt hại của mưa lũ vừa diễn ra, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã gửi thư, thăm hỏi ân cần, sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Điện Biên, đặc biệt là nhân dân các vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Cùng với đó, bằng tình cảm “tương thân tương ái” Hà Nội gửi tới Quỹ cứu trợ của Điện Biên 3 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, san sẻ khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Hợp tác, hỗ trợ toàn diện
Mối quan hệ sắt son Hà Nội - Điện Biên đã được nâng niu, hun đúc qua bao năm tháng. Không chỉ có công trình, hoạt động trên mà trong mỗi thời kỳ phát triển, 2 bên triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về tổ chức kết nghĩa giữa các tỉnh thành trong cả nước, ngày 1/10/1967, lễ kết nghĩa giữa tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên, Lai Châu) và Hà Nội đã diễn ra long trọng. Những năm gần đây, các hoạt động liên quan càng được đẩy mạnh, cụ thể hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khẳng định: “Mối quan hệ hợp tác Điện Biên - Hà Nội đã trở thành truyền thống, thắp lên ngọn lửa nghĩa tình, để cùng nhau hướng đến hợp tác phát triển toàn diện”. Điều đó được thể hiện rõ qua từng hoạt động. Đặc biệt là từ năm 2011, lãnh đạo 2 tỉnh, thành phố đã có những buổi làm việc bàn thảo rõ ràng, hiệu quả về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục duy trì tốt giai đoạn 2015 - 2019, 2019 - 2024. Theo đó, 2 bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, khai thác tiềm năng, lợi thế của hai địa phương; quy hoạch; văn hóa, du lịch; y tế; an sinh xã hội... Hà Nội với lợi thế Thủ đô nghìn năm văn hiến đã giúp Điện Biên quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, tiêu thụ nông sản, đào tạo nguồn nhân lực, kêu gọi nhà đầu tư...
Riêng từ năm 2011 - 2019, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ Điện Biên 43,45 tỷ đồng chăm lo an sinh xã hội và đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi. Giai đoạn 2019 - 2024, nói riêng mảng nông nghiệp, với sự kết nối của Hà Nội, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh các hoạt động quản lý, thúc đẩy liên kết, cung cấp hàng hóa, nông sản theo chuỗi an toàn tại Thủ đô. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Điện Biên có hàng chục tấn nông sản được chuyển về tiêu thụ tương đối ổn định tại Hà Nội (rau, củ, gạo, đặc sản khác); thông qua các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối. Ngoài ra, Điện Biên cũng có hơn 20 nhà cung cấp đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm từ địa phương về tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại như: Siêu thị Winmart, BigC, Saigon Co.op, Hapro... với các sản phẩm chủ yếu như: Gạo Tâm Sáng, Chè Phan Nhất, Cà phê Hồng Kỳ, Mắc ca Điện Biên...
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, 2 địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Lĩnh vực y tế, 2 bên phối hợp triển khai thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội; hàng năm tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ khám bệnh, phát thuốc và tư vấn sức khỏe cho đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đối với an sinh xã hội, Hà Nội hỗ trợ kinh phí ủng hộ Quỹ xóa đói giảm nghèo và nhiều công trình an sinh, phúc lợi khác cho Điện Biên. Giáo dục cũng được quan tâm đặc biệt với việc hỗ trợ trang thiết bị dạy, học; tặng các công trình trường học, nhà bán trú, nhà ăn và nhiều suất học bổng, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh vùng cao...
Thăm, làm việc tại Điện Biên dịp chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đã khẳng định: “Để phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (đối với TP. Hà Nội) và vùng Trung du miền núi phía Bắc (đối với Điện Biên); 2 địa phương cần tăng cường hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tới theo hướng toàn diện, hiệu quả, phát huy lợi thế, tiềm năng. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh Điện Biên trên các lĩnh vực vì mục tiêu phát triển bền vững của 2 địa phương và cả nước nói chung”.
Đó như một lời hứa, tô đậm thêm nghĩa tình của Thủ đô với mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Có thể thấy trong mỗi bước đi của Điện Biên hôm qua, hôm nay và mai sau luôn có Hà Nội sát cánh, giúp sức làm nên Điện Biên tươi đẹp, hào hùng. Đây là động lực để các dân tộc anh em trên mảnh đất lịch sử vượt qua mọi gian khó, xây dựng một Điện Biên đổi mới, tiến kịp miền xuôi.