Hà Nội: Đèn giao thông cho người đi bộ 'có như không'?

Từ năm 2017, trên địa bàn Hà Nội có 13 cụm đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Dù đã được lắp đặt từ lâu, nhưng với những hạn chế đang tồn tại, thiết bị này gần như vô tác dụng, có cũng như không.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông này dành cho người đi bộ, là để người dân khi muốn qua đường, bấm nút báo hiệu, một lúc sau đèn sẽ chuyển sang màu đỏ và các phương tiện sẽ dừng lại nhường đường. Thế nhưng, từ bấy lâu nay, nhiều người dân gặp phải tình trạng bấm nút nhưng không biết đến bao giờ đèn mới chuyển đỏ, và dù đèn có chuyển đỏ, nhưng các dòng phương tiện vẫn di chuyển như chưa hề có cột đèn tín hiệu giao thông nào cả.

Tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), số lượng người sử dụng đèn tín hiệu giao thông này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), số lượng người sử dụng đèn tín hiệu giao thông này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), vào giờ cao điểm các dòng xe cứ lao đi vun vút, đang loay hoay đợi sang đường, bạn Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vì đường đông nên không qua được, ấn nút mấy lần nhưng không thấy đèn chuyển sang màu đỏ, nản quá nên băng qua đường luôn.

"Nhiều lần thấy các bạn khác cũng ấn nút xin qua đường, đèn chuyển sang màu đỏ, song các phương tiện vẫn di chuyển bình thường như không có sự xuất hiện của hệ thống đèn tín hiệu này", Phương Thảo nói.

Theo quan sát của phóng viên, đây là khu vực tập trung nhiều trường Đại học nên lượng người tham gia giao thông lớn, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Dù có hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường nhưng số lượng người sử dụng thiết bị này là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo bạn Nguyễn Yến Trang (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đèn tín hiệu cho người đi bộ tại đây có cũng như không, những người đi xe trên đường không để ý đây là nơi dành cho người đi bộ sang đường khi có đèn. Xe cứ chạy bình thường nên qua đường rất khó khăn. Cũng ít người sử dụng, thường thường người ta đi qua đường luôn, không mấy ai ngó ngàng gì đến đèn này cả.

Tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ trên đường Lê Quang Đạo (đoạn trước tòa nhà The Matrix One), người đi bộ không quan tâm đèn tín hiệu, mà vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường.

Tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ trên đường Lê Quang Đạo (đoạn trước tòa nhà The Matrix One), người đi bộ không quan tâm đèn tín hiệu, mà vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường.

Tương tự tại điểm đèn giao thông cho người đi bộ trên đường Lê Quang Đạo (đoạn trước tòa nhà The Matrix One), người đi bộ vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường mặc cho xe cộ đông đúc lao vun vút, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Tại đây, sự hiện diện của những chiếc đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, chúng dường như không đọng lại trong ký ức của người dân.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá cao vai trò của các cụm đèn tín hiệu cho bộ hành trong việc đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng.

TS. Khương Kim Tạo

TS. Khương Kim Tạo

Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa để việc sử dụng những cụm đèn này thực sự phát huy hiệu quả.

"Các phương tiện không chấp hành thì chúng ta phải xử phạt triệt để, phải kiểm soát trực tiếp gắt gao, rồi thông qua hình ảnh camera giám sát để chúng ta phạt nguội, làm thế nào để triệt để, dứt điểm từng nút một.

Duy tu, bảo dưỡng, giám sát khả năng hoạt động của đèn tín hiệu chúng ta phải làm thường xuyên, phải có bộ máy theo dõi thông tin, báo về là chỉnh sửa ngay. Vị trí lắp đặt thì phải có chiều cao vừa đủ, để người lớn với chiều cao bình thường có thể ấn nút được", ông Tạo cho biết.

Đức Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-den-giao-thong-cho-nguoi-di-bo-co-nhu-khong-169230222153252945.htm