Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông lớn nhất nước

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm 'Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và Thế giới' diễn ra tại Hà Nội ngày 4/12. Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về môi trường, không khí nổi tiếng trên thế giới.

Chủ tọa, Giáo sư Susan Solomon, Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) đánh giá, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều khu vực, trong đó hoạt động giao thông vận tải là nguồn chính gây khói mù đô thị và suy thoái môi trường.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đáng báo động.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đáng báo động.

Phát biểu sau đó, Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các nguồn gây ô nhiễm không khí của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải và nguồn điện. Tại Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân (thống kê năm 2022), hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ôtô, cùng khoảng 2.000 nhà máy thì hoạt động giao thông đường bộ sản phát thải ra các khí như NOx (87%), CO (92%), SO2 (57%) và 74% PM2.5. Cùng đó, hoạt động sản xuất công nghiệp phát thải 39% khí S02 tại Hà Nội. Kiểm kê phát thải dùng mô hình emisen thì Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông lớn nhất. Tại TP Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu dân, gần 7,4 triệu xe máy và 400.000 ôtô và 2.780 cơ sở công nghiệp phát thải. Trong đó giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như NO2, CO (97,8%), SO2 (37,7%), NMVOC (42,9%), CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 (18%).

Một thông tin đáng lo hơn đó là vấn đề sương mù tại các đô thị. Giáo sư Yafang Cheng, chuyên gia hàng đầu về aerosol và ô nhiễm không khí, cung cấp con số đáng báo động: Khoảng 9 triệu người tử vong ở độ tuổi trẻ vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí, trong khi tổng số người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu là 7 triệu. Aerosol (hay còn gọi là sol khí) là những bọt nước li ti trong không khí có kích thước siêu nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, cũng như gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Do đó, so với COVID-19, sol khí nguy hiểm hơn. Giáo sư này cũng nói thêm: Hiện tượng ô nhiễm này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường, trông giống như sương mù, và tần suất xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.

Theo nghiên cứu của nhóm Giáo sư Cheng, một trong những nguồn phát thải các hợp chất ôxit ni-tơ (NOx) và carbon đen (muội than - NH3) nhiều nhất là ngành giao thông. Vì thế, kiểm soát được nguồn phát thải này sẽ giúp kiểm soát đáng kể tình trạng ô nhiễm sol khí đô thị.

Bàn về các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cùng với nhiều đề xuất của các nhà khoa học khác, Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng đưa thêm một đề xuất là áp dụng thuế khí thải hay thuế ô nhiễm với các nguồn phát thải. Việt Nam hiện tại chưa có hai loại thuế này, song có thể cân nhắc tới chính sách đánh thuế ô nhiễm trong thời gian tới nếu muốn có cơ chế mạnh mẽ bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ha-noi-co-ti-le-phat-thai-giao-thong-lon-nhat-nuoc-i752446/