Hạ Hòa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Xuất phát từ tiềm năng về đất đai, điều kiện địa lý, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, những năm gần đây huyện Hạ Hòa tích cực thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN-TTCN. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Minh Phát, xã Hà Lương chuyên sản xuất mặt hàng đũa xuất khẩu, thu hút trên 100 lao động, bình quân thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Minh Phát, xã Hà Lương chuyên sản xuất mặt hàng đũa xuất khẩu, thu hút trên 100 lao động, bình quân thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn.

Theo quy hoạch tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trên địa bàn huyện Hạ Hòa sẽ phát triển 5 cụm CN: Đồng Phì, Ấm Hạ, Bắc Hạ Hòa; Hạ Hòa, Đồng Phì 2. Theo đó, huyện đẩy mạnh lập quy hoạch xây dựng các cụm CN, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, UBND huyện đang phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai đầu tư Cụm CN Đồng Phì và thủ tục thành lập 2 cụm CN: Ấm Hạ và Hạ Hòa. Cụm CN Đồng Phì đã hoàn thành thực hiện các thủ tục về báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, thiết kế xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đấu nối giao thông giữa đường trục chính cụm CN với đường tỉnh ĐT315D... Cụm CN Ấm Hạ có quy mô 60ha tại xã Ấm Hạ và xã Phương Viên. UBND huyện đã có Tờ trình số 1986/TTr-UBND đề nghị Sở Công Thương thẩm định, UBND tỉnh xem xét, phê duyệt thành lập Cụm CN Ấm Hạ. Cụm CN Hạ Hòa có quy mô 73,37ha tại xã Minh Côi và xã Văn Lang. Giữa tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã có Tờ trình số 607/TTr-UBND đề nghị Sở Công Thương thẩm định, UBND tỉnh xem xét, phê duyệt thành lập Cụm CN Hạ Hòa...

Cùng với đó, huyện thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Tập trung đẩy mạnh thực hiện phát triển các ngành nghề sản xuất CN-TTCN chủ lực như: Chế biến gỗ, lâm sản, chè, thực phẩm, may mặc; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX, đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh năng động, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân có vùng nguyên liệu mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 152 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 576 hộ cá thể sản xuất CN-TTCN. Các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu sử dụng lao động tại chỗ, tạo việc làm cho khoảng 9.700 lao động (tính cả lao động thời vụ), thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đối với một số sản phẩm chủ yếu như chế biến gỗ lâm sản có sản lượng đạt trên 435.000m3; ván ép đạt trên 300.000m3; chế biến dăm gỗ, răm rác và viên nén đạt gần 203.000 tấn; đũa gỗ 100.000 bao; sản xuất giấy đạt 19.900 tấn; chè chế biến đạt trên 7.300 tấn; may mặc 7 triệu sản phẩm. Hết quý 1 năm 2025, giá trị sản xuất CN-TTCN đối với một số sản phẩm như: Ván ép đạt 76.241m3; ván bóc 49.903m3; giấy các loại 6.550 tấn...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hoa - Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng và Đô thị huyện cho biết: Phát triển CN-TTCN đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn ở Hạ Hòa. Nhờ chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất CN-TTCN đã tạo được nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,14%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,48%. Từ đó, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ha-hoa-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-232551.htm