Hà Giang: Bắc Mê chú trọng vai trò của HTX trong xóa đói giảm nghèo
Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Bắc Mê là một huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang, nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng với những cánh rừng xanh bạt ngàn. Bắc Mê còn nổi tiếng với những đặc sản vùng miền đặc sắc. Để những sản phẩm này đến được tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, huyện Bắc Mê đã có những giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Hỗ trợ HTX nâng cao sản xuất
Thời gian qua, huyện Bắc Mê đã hỗ trợ cho các tổ chức, HTX trên địa bàn tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của huyện tại các lễ hội truyền thống, hội chợ thương mại, các hội nghị, hội thảo được tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm trưng bày chủ yếu, như: rượu ngô Phú Nam, rượu ngô Bắc Mê; chè Shan tuyết Bắc Mê, tinh dầu Hồi, gạo các loại, tinh bột nghệ, các sản phẩm từ tinh bột nghệ, chuối tiêu, đậu tương, vải thổ cẩm…
Đến nay, huyện đã xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm tinh bột nghệ và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tinh dầu Hồi Bắc Mê; xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm từ bột nghệ, nhãn hiệu rượu Phú Nam, rượu Bắc Mê. Huyện đăng ký 5 HTX, 1 nhóm hộ dân và 26 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; trong đó, có 14 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, 3 sản phẩm thuộc nhóm ngành đồ uống, 8 sản phẩm thuộc nhóm ngành thảo dược, 1 sản phẩm dịch vụ du lịch địa phương. Trong số 26 sản phẩm, có 5 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP năm 2019; các sản phẩm còn lại, huyện đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để tham gia chương trình trong những năm tiếp theo.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực sản xuất, huyện đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc giữ vững thương hiệu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng...
Hiệu quả từ HTX kiểu mới
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 37 HTX đang hoạt động và 27 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp ở 13/13 xã, thị trấn. Các HTX chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, chế biến lâm sản, mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua và chế biến nông sản...
Hàng năm, mỗi HTX doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng. Theo đánh giá của UBND huyện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân về kinh tế tập thể đã có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012. Công tác quản lý nhà nước về HTX được các cấp, ngành chú trọng. Các chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tập thể được tỉnh ban hành đã tạo nhiều thuận lợi cho HTX của huyện phát triển. Các HTX đã chủ động củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Tuy vậy, các HTX trên địa bàn huyện vẫn quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, thiếu vốn...
Kể từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012, các HTX đã được tư vấn, hướng dẫn xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động của Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, quy chế quản lý tài sản, tài chính...
Các HTX thực hiện chuyển đổi từng bước xác định rõ tư cách thành viên, đăng ký lại thành viên tham gia. Vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu của thành viên được điều chỉnh nâng lên để đáp ứng yêu cầu mở rộng, phát triển ngành nghề mới. Cùng với đó, các HTX đã tự đổi mới về tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng nhanh với cơ chế thị trường.
Dịch vụ của các HTX nông nghiệp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thành viên và nhân dân trên địa bàn; hỗ trợ UBND các xã chỉ đạo sản xuất, đảm bảo theo khung thời vụ và thu được kết quả tốt. Hiện nay, một số HTX đang hoạt động hiệu quả như: HTX Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc thực hiện phát triển vùng trồng nghệ nguyên liệu, đã trồng được trên 146 ha, ước cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha; HTX trồng, chế biến tinh dầu Hồi xã Đường Âm, trồng được trên 170 ha, trong đó 120 ha đã cho thu hoạch trên 50 triệu đồng/ha/năm và một số HTX khác... đã sản xuất ổn định.
Đạt được kết quả trên, trước hết là do sự lãnh, chỉ đạo tập trung, sâu sát của cấp ủy, chính quyền huyện, từng xã, từng HTX đã tập trung triển khai hiệu quả chương trình phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó là sự cố gắng nỗ lực của mỗi thành viên tham gia xây dựng HTX. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển.
Không chỉ vậy, các HTX còn đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, huyện Bắc Mê tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị thế của các HTX trong xây dựng NTM, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, đồng thời, khuyến khích thành lập các HTX theo ngành nghề, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.