Hà Đông (Hà Nội): Chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy trong trường học
Hà Nội hiện nay là một trong những thành phố tập trung lượng trường học lớn nhất cả nước, là quận nội đô với mật độ dân cư cao, quận Hà Đông đang có số lượng lớn các trường học công lập và dân lập. Mỗi cơ sở có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang là nhiệm vụ cấp thiết và cần chú trọng hàng đầu, bởi nếu để xảy ra sơ suất nhỏ gây cháy thì hậu quả là rất khôn lường.
Thực trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC và CNCH), trong tháng 01/2023, toàn quốc xảy ra 149 vụ cháy; 7 vụ cháy rừng làm chết 5 người, bị thương 7 người; thiệt hại tài sản ước tính 7,19 tỷ đồng; 419 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân, cháy cỏ rác.
Không kể những hộ kinh doanh, nhà dân đơn lẻ, mà ngay cả trường học cũng là nơi có nguy cơ dễ xảy ra cháy nổ. Đơn cử, ngày 15/02/2023 tại trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vụ cháy tại khu vực bãi đỗ xe nhà trường, tuy không có thiệt hại về người và tài sản nhưng đã khiến lượng lớn học sinh hoảng loạn tháo chạy. Từ thực trạng trên cho thấy, công tác PCCC cần được chú trọng để tránh gây hậu quả, việc trang bị kiến thức và kỹ năng để thoát nạn trong trường học là vô cùng cấp thiết đối với từng thầy cô và học trò.
Hiện nay, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho chăn màn…), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vực ký túc xá dành cho học sinh bán trú.
Các tác nhân chính có thể dẫn đến cháy nổ tại trường học như: Nhiều vật liệu dễ cháy nổ (cơ sở vật chất kỹ thuật, bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu…); Sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác; Việc sử dụng các thiết bị điện quá tải cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt (Ví dụ: Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập…).
Công tác PCCC tại trường học được chú trọng nâng cao
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn quận Hà Đông đã tích cực, chủ động trong công tác PCCC. Theo đó, đã lồng ghép các kiến thức về PCCC vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền phổ biến tới phụ huynh và học sinh thông qua các trang web và mạng xã hội của nhà trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường luôn đặc biệt sát sao trong công tác PCCC, đồng thời đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch để thường xuyên tuyên truyền về PCCC vào giờ đón trả trẻ và các buổi họp phụ huynh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn. Đây là một trong những kiến thức hết sức quan trọng giúp các em học sinh có thêm hành trang cơ bản để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh.
“Nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng dẫn học sinh cách thức xử lý khi phát hiện ra cháy, phương pháp thoát nạn trong đám cháy, đồng thời ngay tại nhà trường đều được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra” - bà Nguyễn Thị Thu An chia sẻ thêm.
Đối với bậc tiểu học, công tác PCCC cũng đã được nhiều nhà trường đặc biệt quan tâm và sát sao thực hiện. Đơn cử như tại trường Tiểu học Phú Cường (phường Phú Lương, quận Hà Đông), công tác PCCC đã đem lại hiệu quả cao khi Ban giám hiệu nhà trường luôn chủ động phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC theo đúng Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước, thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới.
Bà Đinh Thị Thao - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Cường (phường Phú Lương, quận Hà Đông) cho biết: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn hết sức quan tâm đến công tác PCCC trong trường học. Tại trường Tiểu học Phú Cường, chúng tôi luôn xác định công tác PCCC là nhiệm vụ hàng đầu, hướng tới việc truyền đạt kiến thức PCCC để học sinh không chỉ có ý thức khi học tại nhà trường mà còn có kiến thức, kỹ năng để xử lý kịp thời các sự cố trong cuộc sống. Công tác tuyên truyền trong nhà trường đã có những hiệu quả nhất định, điều này thể hiện qua việc toàn bộ các em học sinh đều nắm rõ các vấn đề cơ bản về nguyên nhân cháy nổ và cách xử lý nếu trường hợp cháy xảy ra, ý thức của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh đều được nâng cao”.
Bà Đinh Thị Thao mong muốn: “Ban giám hiệu nhà trường đã có Kế hoạch số 151/KH-THPC để xác định nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra các giải pháp thực hiện trong công tác PCCC tại đơn vị. Trong thời gian tới, tôi hy vọng các cơ sở giáo dục sẽ quan tâm hơn nữa không chỉ đối với công tác PCCC, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà trường để tổ chức thêm các lớp trang bị cho học sinh kỹ năng mềm cơ bản như: kỹ năng sơ cứu y tế, phòng chống tai nạn đuối nước… để chúng ta có thể luôn an toàn trong cuộc sống”.
Ông Dương Ngọc Thỏa – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương ý kiến thêm: Đối với phạm vi các trường học trên địa bàn, chính quyền luôn sát sao trong công tác kiểm tra và giám sát về PCCC. Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, các trang thiết bị PCCC.... Đồng thời, kết hợp cùng nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các trường học đối với công tác PCCC. Từ đó đảm bảo đem lại môi trường giáo dục an toàn nhất cho học sinh.
Có thể nói, để đảm bảo an toàn PCCC phòng cháy chữa cháy tại trường học, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu, thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện cho cán bộ, giáo viên và học sinh, thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ cháy nổ cao, chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, bởi lẽ chủ động PCCC không bao giờ là thừa nếu chỉ một phút lơ là, chủ quan, ngọn lửa có thể thiêu rụi tài sản và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.