GRDP và thu hút FDI 6 tháng tăng khá, động lực cho Phú Thọ bứt phá sau sáp nhập
Thống kê tổng hợp cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Phú Thọ (mới, sau sáp nhập) tăng trưởng khá, ước đạt 10,09% trong 6 tháng đầu năm 2025. Thu hút đầu tư FDI cũng ghi nhận kết quả tích cực.
Theo Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,09% trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Phú Thọ hiện xếp vị trí thứ 6 trên tổng số 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ của nền kinh tế vùng.
Nếu xét theo các địa phương trước khi sáp nhập, GRDP của tỉnh Phú Thọ (cũ) tăng 10,33%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) đạt mức tăng trưởng 10,07%, đứng thứ 10/63 và tỉnh Hòa Bình (cũ) tăng 9,72%, xếp thứ 13/63.
Công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng chính
Trong mức tăng trưởng GRDP chung của tỉnh Phú Thọ (mới), khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục đóng vai trò động lực chính thúc đẩy kinh tế toàn vùng, ước tăng 15,32% và đóng góp tới 7,04 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Theo giá hiện hành, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Phú Thọ (mới) ước đạt 186.400 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế trong GRDP cho thấy khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46,58%. Khu vực dịch vụ chiếm 29,45%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,87% tổng GRDP chung toàn tỉnh.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, ước tăng 3,26% so với cùng kỳ, đóng góp 0,39 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi, tăng 8,2%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,54%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực chính của nền kinh tế tỉnh Phú Thọ với tỷ trọng trên 46% GRDP. (Ảnh minh họ )
Đáng chú ý, xét theo cơ cấu đóng góp GRDP từ các đơn vị hành chính cũ, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,52%, tiếp đến là tỉnh Phú Thọ (cũ) với 31,4%, và tỉnh Hòa Bình (cũ) chiếm 20,08% GRDP toàn tỉnh mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh cũng ghi nhận kết quả tích cực ở cả ba địa phương cũ. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc (cũ), công nghiệp tăng 18,98%, nổi bật là các ngành linh kiện điện tử, ô tô, xe máy, kim loại. Phú Thọ (cũ) đạt mức tăng 45,45% nhờ mở rộng sản xuất trong lĩnh vực chế biến gỗ, điện tử, quang học. Hòa Bình (cũ) tăng 15,29%, đặc biệt khai khoáng tăng 29,46% và sản xuất điện tăng 21,16% nhờ sản lượng lớn từ thủy điện Hòa Bình. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục giữ vững đà tăng.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Phú Thọ xác định công nghiệp là động lực then chốt, tập trung vào tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng bền vững cho toàn ngành công nghiệp.
Môi trường đầu tư cải thiện, thu hút gần 500 triệu USD vốn FDI
Trong 6 tháng đầu năm nay, môi trường đầu tư tại tỉnh tiếp tục được cải thiện rõ nét, các trung tâm dịch vụ hành chính công đã được đồng bộ hóa thủ tục, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và pháp lý đầu tư.
Tỉnh đã thu hút hơn 469 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và 43.198 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI). Cụ thể về vốn FDI, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) thu hút 410 triệu USD, Phú Thọ cũ thu hút 56 triệu USD và Hòa Bình (cũ) thu hút 2,7 triệu USD.
Đối với vốn DDI, Hòa Bình (cũ) thu hút 38.006 tỷ đồng, Vĩnh Phúc (cũ) thu hút gần 4.000 tỷ đồng và Phú Thọ cũ thu hút 1.192 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2025, toàn tỉnh có 1.878 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 17.400 tỷ đồng và có 818 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất. Những con số này phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tiềm năng phát triển của tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập.