Góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh là một hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết để định hướng chọn lựa ngành nghề phù hợp.
Thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, định hướng phân luồng học sinh còn thấp. Hệ quả là hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm gần đây chưa năm nào đạt chỉ tiêu tuyển sinh được giao.
Tại Hà Nội, bên cạnh áp lực từ sự gia tăng về số lượng học sinh, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp trung học cơ sở hiện còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Hầu hết phụ huynh có con học lớp 9 đều mong muốn con học tiếp lên cấp trung học phổ thông chứ không phải theo học trường nghề. Tình hình này khiến cho việc phân luồng học sinh không đạt mục tiêu đặt ra...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 12-12-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU ngày 30-7-2024 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về "Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố yêu cầu các cấp chính quyền tổ chức quán triệt nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 29-CT/TƯ bằng nhiều hình thức phong phú, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và sâu rộng; cụ thể hóa chỉ thị phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện căn cơ, bài bản, phù hợp với bối cảnh, áp dụng được vào thực tiễn. Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 363/KH-UBND của UBND thành phố, thời gian tới, ngành Giáo dục Thủ đô và các địa phương của thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Cùng với đó, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp.
Các nhà trường cần đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các nhà trường cần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hội chợ việc làm; thông tin đầy đủ về xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các trường đào tạo nghề, doanh nghiệp, cơ sở nghề truyền thống ở địa phương…
Việc lựa chọn loại hình trường nào là theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường có thể đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Vì vậy, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ, đúng về ý nghĩa của việc phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông.
Khi chúng ta làm tốt công tác phân luồng trong giáo dục sẽ tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội. Qua đó, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gop-phan-dieu-tiet-co-cau-nganh-nghe-687606.html