Gồng mình chống nắng hạn Bài 4: 'Ngàn lẻ một' nỗi lo mùa hạn hán

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tại tỉnh TT-Huế và Quảng Ngãi, người dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu bởi nguy cơ đói, khát dần hiện hữu.

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tại tỉnh TT-Huế và Quảng Ngãi, người dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu bởi nguy cơ đói, khát dần hiện hữu.

Nhiều cánh đồng nứt nẻ ở huyện miền núi A Lưới, TT – Huế.

Nhiều cánh đồng nứt nẻ ở huyện miền núi A Lưới, TT – Huế.

Theo thống kê, tại TT- Huế có khoảng hơn 1.000ha lúa hè thu sẽ “đói” nước và 3.000ha diện tích lúa phải chuyển đổi sang các cây trồng khác. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh này, tình hình khô hạn năm nay sẽ khốc liệt hơn năm 2019. Hiện lượng nước tại 124 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, khoảng 6.670ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn, khoảng 7.450 hộ thiếu nước sinh hoạt và gần 9.000 vật nuôi thiếu nước uống.

Hồ thủy lợi “đói” nước, lúa “chết đứng” giữa đồng

Tỉnh TT-Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thủy điện với dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước. Hiện mực nước các hồ chứa đang rất thấp. Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh TT-Huế đưa vào gieo sạ khoảng 25.500ha lúa, trong đó có 2.000ha nằm ở vùng gò đồi, vùng núi, vùng cuối kênh tưới… bị khô hạn, không gieo sạ được. Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế yêu cầu Cty Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền nước từ các hồ đập thủy lợi đến các diện tích lúa thiếu nước.

“Trong 2.000ha đó, có khoảng hơn 1.00ha buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm các loại cây trồng cạn, cũng có hỗ trợ một phần cho bà con để thực hiện cơ cấu cây trồng. Chúng tôi có dự kiến, đề xuất với Nhà nước hỗ trợ cho nông dân một héc-ta khoảng 2 triệu đồng, thậm chí một số diện tích mà thấy khả năng không có thể làm được thì phải chấp nhận bỏ hoang”, ông Hồ Vang Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế nói.

Tại H. Phong Điền, nhiều xã đang nỗ lực ứng phó trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND H. Phong Điền cho biết: “Mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện hiện nay thấp hơn mực nước trung bình của các năm trước. Nguyên nhân là do từ đầu vụ sản xuất Đông Xuân đến nay mưa ít hơn nhiều năm và kết thúc sớm. Vì vậy, thiếu nước trong sản xuất vụ Hè Thu 2020 là rất lớn”.

Trạm bơm ở Phong Điền hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể chống hạn.

Trạm bơm ở Phong Điền hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể chống hạn.

Qua kiểm tra cho thấy, các hồ, đập thủy lợi tại các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ… năm nay lượng mưa thấp nên các hồ, đập tích nước không đảm bảo. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm mực nước tại các hồ, đập thủy lợi xuống thấp do bốc hơi nước, tụt giảm mạch nước ngầm… Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra.

Nắng gắt trong những ngày qua cộng với xâm nhập mặn khiến cho nhiều diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn, hàng trăm héc-ta thiếu nước tập trung tại các vùng phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc các xã Phú Đa, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Xuân (H. Phú Vang); xã Quảng An, Quảng Công (H. Quảng Điền); xã Hải Dương, Hương Phong (TX Hương Trà)…

Hơn 50 năm gắn bó với ruộng đồng, ông Huỳnh Văn Côi (trú TT Phú Đa, H. Phú Vang) cho biết: Tình trạng xâm nhập mặn đến sớm do hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng dị thường. Nhiều diện tích lúa tại địa phương bị thiệt hại và hàng năm, khu vực lúa ven đầm phá năng suất chỉ đạt 40-45 tạ/ha, nhưng người dân vẫn phải làm vì bỏ hoang đất rất phí. Việc cải tạo đất ở đây không hiệu quả bởi tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên.

Không chỉ ở miền xuôi, tại huyện miền núi A Lưới, những ngày qua có mưa giông nhưng tình hình khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất vụ Hè Thu vẫn chưa được cải thiện. Ông Hồ Văn Ngưm - Phó Chủ tịch UBND H. A Lưới cho hay, để tránh thiệt hại, vụ Hè Thu này, huyện vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, cụ thể là sang cây ngô, cây họ đậu phù hợp với điều kiện thời tiết và phù hợp với thời vụ. Ông Ngưm cho rằng, chủ trương của huyện một là thà bỏ hoang, hai là phải chuyển đổi vùng khô hạn nếu không thì vừa mất công mà không có thu hoạch vừa chi phí lớn.

Ao cá của gia đình ông Dương Hiển Bình đã không còn giọt nước nào và bà Phạm Thị Thắm phải bắc đường ống nước dẫn vào các sào đậu phộng đang khô héo.

Ao cá của gia đình ông Dương Hiển Bình đã không còn giọt nước nào và bà Phạm Thị Thắm phải bắc đường ống nước dẫn vào các sào đậu phộng đang khô héo.

“Nắng hạn giết chết nông dân rồi!”

Không riêng gì TT-Huế, tại Quảng Ngãi, dù mới vào đầu mùa nắng nóng nhưng nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã bị bỏ hoang do thiếu nước. Ông Dương Hiển Bình (83 tuổi, trú xã Phổ Cường, TX Đức Phổ) cho hay: “Nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến 5 sào lúa của gia đình tôi không có nước để sản xuất được. Nguồn thu nhập còn lại của gia đình là hai ao nuôi cá với diện tích 4 sào mặt nước cũng đã cạn gần trơ đáy, cá không sống nổi. Gần 10 năm qua nhưng chưa năm nào hai ao nuôi cá của tôi lại cạn trơ đáy như năm nay. Nếu không nắng hạn ảnh hưởng, 2 ao cá của tôi mỗi năm cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng”, ông Bình tâm sự.

Gần đó, nhà bà Phạm Thị Thắm (45 tuổi) có 7 sào lúa nhưng đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng đậu phộng do thiếu nước. Những ngày này, bà Thắm dùng ống dẫn nước từ cống xuống ruộng để tưới đậu. “Nếu tình trạng nắng nóng vẫn kéo dài những ngày tới thì nguy cơ 7 sào đậu phộng của gia đình tôi sẽ chết khô, coi như mất trắng. Năm nay nắng hạn giết chết nông dân rồi”, bà Thắm chia sẻ.

Ông Võ Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết, vụ lúa Hè Thu năm nay tại địa phương có 3 hồ nước đảm bảo tưới nước cho khoảng 95ha, trong đó có khoảng 50ha trồng lúa và còn lại chuyển đổi qua cây hoa màu, còn 700ha lúa bị thiếu nước hoàn toàn phải bỏ hoang. “Đến thời điểm hiện nay các sông, suối trên địa bàn xã Phổ Cường đã khô cạn. Nguồn nước cho gia súc, gia cầm hiện nay từng gia đình phải tự lo. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, hết tháng nay trời không có mưa thì địa phương sẽ xin nguồn nước viện trợ từ hồ Liên Sơn để đổ xuống sông, suối cho gia súc, gia cầm uống. Về nguồn nước sinh hoạt của người dân, địa phương kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để đóng các giếng khoan phục vụ cộng đồng. Trước đó năm 2019, xã Phổ Cường đã đóng cho người dân 2 giếng khoan, độ sâu khoảng 80 mét trở lên; người dân cũng tự đóng hơn 10 cái giếng khoan nhưng nguồn nước sinh hoạt vẫn thiếu”, ông Cường nói.

Còn ông Nguyễn Tấn Lái - Trưởng phòng NN&PTNT TX Đức Phổ cho biết: “Đầu năm nay, địa phương đã xây dựng kế hoạch dự kiến vụ sản xuất lúa Hè Thu trên địa bàn khoảng 4.800ha. Thế nhưng qua khảo sát lại, nguồn nước ở các hồ đập trên địa bàn thị xã không đảm bảo, diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước khoảng 1.500ha. Do vậy phải chuyển đổi sang cây trồng hoa màu khoảng 300ha, còn lại hơn 1.000ha bị bỏ hoang”.

Tại huyện đảo Lý Sơn, nắng nóng khốc liệt đã khiến diện tích trồng hành sụt giảm đáng kể. Hiện chỉ có 40ha được xuống giống vụ này, giảm đến 60% so với những vụ trước. Một số hộ chọn cách giảm diện tích canh tác, một số khác sau khi thu hoạch xong vụ hành đầu tiên của năm 2020 quyết định không trồng tiếp, bởi tình hình nguồn nước khan hiếm, cây hành khó sống nổi. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị người dân chủ động chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày chịu hạn, trồng trên những vùng đất cao để rễ khỏi ăn sâu, khỏi bị nhiễm mặn, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng sửa chữa kênh mương để tránh thất thoát nguồn nước phục vụ vụ Hè Thu sắp đến.

Ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh mưa ít, dung lượng nước hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ còn khoảng 60%. Do đó, các huyện phía Nam của tỉnh như Đức Phổ thì lượng nước tưới sẽ thiếu nhiều. Trước tình hình đó, Cty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã làm việc cụ thể với các Hợp tác xã ở các huyện để chốt lại diện tích cần sản xuất, gieo trồng. “Trước mắt, chúng tôi sẽ nhanh chóng duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, chống thất thoát nước để phục vụ vụ hè thu sắp tới. Còn những vùng không có nước hoặc thiếu nước sẽ chuyển đổi qua trồng hoa màu. Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản xin Trung ương phân bổ nguồn kinh phí 150 tỷ đồng để lo phòng, chống hạn”- ông Văn thông tin.

(còn nữa)

HẢI LAN - BÃO BÌNH - ĐẠI THẮNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_225888_gong-minh-chong-nang-han-bai-4-ngan-le-mot-noi-lo-mua-han-han.aspx