Gói hỗ trợ ngành hàng không chính thức được khởi động
Sau khi Quốc hội quyết định giải cứu Vietnam Airlines bằng một số chính sách, câu hỏi đặt ra là toàn ngành hàng không có được giải cứu không? Và Chính phủ đã bắt đầu trả lời.
Tuần trước, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban tài chính - ngân sách (Quốc hội), các bộ ngành... để lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ và UBTVQH tiếp tục kéo dài chính sách miễn giảm 30% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 thay vì chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 9-2020 như UBTVQH đã thông qua hồi tháng 9 vừa qua.
Như vậy, nếu UBTVQH tiếp tục gia hạn chính sách thì thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ tiếp tục duy trì ở mức 2100 đồng/lít, thay cho mức 3000 đồng/lít như luật định.
Đề nghị này của Bộ Tài chính xuất phát từ Nghị quyết số 124 của QH đã thông qua ngày 11-11-2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021, nêu rõ tính chủ động bố trí các nguồn lực và giải pháp về thuế, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là một số ngành công nghiệp như hàng không, du lịch.
Bộ Tài chính thống kê được, việc giảm 30% thuế như trên ảnh hưởng giảm thu ngân sách 360-400 tỉ đồng (6 tháng năm 2020). Và nếu giảm 10% thuế BVMT như đề xuất sẽ giảm khoảng 860 tỉ-900 tỉ đồng cho năm 2021. Nhưng thực tế, sự hỗ trợ này cũng chỉ giảm bớt phần nào khó khăn cho các hãng hàng không, với số lỗ ước tính riêng năm 2020 là 4 tỉ đô la Mỹ.
Trong một dự thảo về Gói hỗ trợ kinh tế lần hai được Bộ KH-ĐT soạn thảo trước đó, Bộ KH-ĐT còn đề nghị mức hỗ trợ mạnh hơn, lên đến giảm thuế BVMT 70% đối với nhiên liệu bay.
Chính sách này được thông qua thì tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam đều được hưởng.
Lan Nhi