Gỡ nút thắt trong vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc ở Việt Nam

Bình đẳng giới không đơn giản chỉ nằm ở tỷ lệ nam nữ trong lực lượng lao động/lãnh đạo. Đó còn là công bằng trong trả lương, môi trường làm việc, không có quấy rối hoặc kỳ thị.

 Cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc - những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành. Ảnh: VGEM.

Cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc - những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành. Ảnh: VGEM.

Tại Việt Nam, bình đẳng giới được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác được nguồn nhân lực nữ giới đóng góp vào sự đa dạng và thành công của tổ chức, từ đó giúp tăng năng suất, lợi nhuận tài chính.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại tổ chức của mình vì họ không hề đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải điều kiện thăng tiến.

Nói cách khác, sự không đề cập thường được hiểu là không có phân biệt. Không có phân biệt được hiểu là không có bất bình đẳng.

Do đó, bình đẳng giới được xếp vào mức độ ưu tiên thấp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không cần phải thực thi các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Với những lý do đó, cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc - những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới được tổ chức ECUE tổng hợp từ một dự án nghiên cứu nhằm xác định các cơ hội và trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong việc áp dụng chính sách bình đẳng giới. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về bình đẳng giới ở nơi làm việc.

Vấn đề được coi trọng

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: “Hiện thực hóa tiềm năng đầy đủ của phụ nữ khi tham gia vào nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và sự sẵn sàng trong tương lai của các nền kinh tế và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Có bằng chứng cho thấy khi các doanh nghiệp thúc đẩy và đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, danh tiếng, khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của tổ chức. Nó cũng thúc đẩy năng suất quốc gia và tăng trưởng kinh tế”.

Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ ở nơi làm việc cũng được Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam rất coi trọng.

Bà Trần Thùy Trang, Giám đốc Nhân sự và Đào tạo Deloitte Việt Nam, chia sẻ rất nhiều câu chuyện thực tế tại doanh nghiệp: “Khi đặt bộ câu hỏi tuyển dụng, chúng tôi bỏ đi phần giới tính; khi thành lập hội đồng phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi có cả nam và nữ, không để định kiến giới ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn; và không hề có rào cản trong vấn đề phân biệt giới khi chúng tôi phát triển nhân viên”.

 Tọa đàm giới thiệu cuốn sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Ảnh: VGEM.

Tọa đàm giới thiệu cuốn sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Ảnh: VGEM.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead), mang đến góc nhìn mới về bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như nút thắt trong nhận thức về bình đẳng giới và khái niệm về bình đẳng giới.

“Khó khăn nhất khi đưa vấn đề này vào doanh nghiệp, với những người đứng đầu, là nhận thức của họ về bình đẳng giới, cũng như nỗi sợ của họ khi họ nghĩ điều này sẽ tăng chi phí và tốn thời gian cho doanh nghiệp”, bà chia sẻ.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE, tổ chức tham gia chương trình Investing in Women, cho rằng vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm tương ứng.

“Bình đẳng giới về kinh tế là một trong những vấn đề thách thức vì nó không chỉ đơn giản ở tỷ lệ nam nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn không có quấy rối hoặc kỳ thị. Điều này liên quan đến văn hóa và giá trị của công ty.

Tuy nhiên, hiện nay, không có nhiều tổ chức hiểu sâu sắc về giới trong môi trường làm việc để có thể giúp công ty đưa ra giải pháp cụ thể và hữu hiệu. Do đó, cuốn sách Bình đẳng giới nơi làm việc chính là nỗ lực của chúng tôi trong việc khắc phục điểm yếu này”, ông Bình nói.

Đây cũng là chia sẻ của bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ: “Tôi hy vọng các doanh nghiệp, nhà làm chính sách, nhà hoạt động vì bình đẳng giới, cơ sở đào tạo chuyên ngành Giới,... ở Việt Nam sẽ quan tâm, sử dụng kết quả nghiên cứu và khuyến nghị để điều chỉnh chính sách, hoạt động thực hành bình đẳng giới,... đạt hiệu quả cao nhất”.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/go-nut-that-trong-van-de-binh-dang-gioi-tai-noi-lam-viec-o-viet-nam-post1413846.html