Gỗ công nghiệp đừng ham rẻ hại sức khỏe
Theo các chuyên gia, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp, được sản xuất bởi các xưởng gia công, hộ sản xuất tại các làng nghề nên khó kiểm soát formaldehyde vượt chuẩn quy định.
Hiện trên thị trường, người tiêu dùng không khó để sở hữu những món đồ nội thất từ gỗ công nghiệp với nhiều kiểu dáng, màu sắc bắt mắt bởi giá thành rẻ. Tuy nhiên, đây chính là mối nguy hiểm tiềm tàng tới sức khỏe.
Giá rẻ, kiểu dáng đa dạng, màu sắc bắt mắt
Dành dụm sau 10 năm kết hôn, vợ chồng anh chị Nguyễn Vinh (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) mới mua được căn hộ nhỏ. Anh Vinh dự định sẽ mua một vài món đồ nội thất trong nhà như tủ quần áo, giường, bàn ghế... với tiêu chí, đẹp, rẻ.
“Tôi có tìm hiểu trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử thấy rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là gỗ công nghiệp với nhiều kiểu dáng đẹp mắt, đặc biệt phù hợp túi tiền nên quyết định mua về dùng. Tuy nhiên, thời gian đầu, mùi của các sản phẩm này rất khó chịu. Vì vậy, trong phòng ngủ tôi không bật máy lạnh mà dùng quạt để bớt mùi. Hy vọng, sử dụng một thời gian mùi của các sản phẩm này sẽ bay theo không khí ra ngoài” – anh Vinh chia sẻ.
Tương tự, mong muốn tìm được món đồ nội thất phù hợp giá tiền và đẹp mắt chị Nguyễn My (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cũng tìm mua chiếc giường mới kèm ngăn kéo tủ bên dưới để lưu trữ đồ cho gọn gàng.
Chị My cho biết dạo quanh một số cửa hàng nội thất trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh chị cũng được nhiều chủ cửa hàng giới thiệu nhiều loại giường bằng gỗ công nghiệp với nhiều mức giá khác nhau.
“Tôi đã đặt mua chiếc giường kích thước 2mx1,6m có kèm ngăn kéo tủ bằng gỗ MDF phủ melamine với giá 2,7 triệu đồng” – Chị My chia sẻ và nói thêm: “Tôi cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa các loại gỗ, chỉ được người bán giới thiệu các tính năng và độ bền cùng với khả năng chi trả nên mua chứ cũng không nghĩ đến gỗ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Khi gỗ công nghiệp đang ngày càng được ưa chuộng, thì có thông tin cho rằng, trong gỗ công nghiệp có chứa chất formaldehyde.
PGS-TS Đặng Văn Hoài, Trưởng Bộ môn Hóa, Trường ĐH Y dược TP HCM cho biết formaldehyde là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học là HCHO. Chất này gây kích ứng với da (đỏ, rát da, rộp) khi tiếp xúc. Nếu đi vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương niêm mạc của đường hô hấp, đi vào phổi sẽ tổn thương phổi. Bên cạnh đó, quá trình hít phải các tế bào cũng bị tổn thương dẫn đến ung thư.
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ đã có những bài báo cảnh báo HCHO này có thể gây ra ung thư. Ngoài ra, formaldehype cũng sử dụng để ngâm để bảo quản xác.
Trong gỗ thì một số gỗ như melamine, MDF, HDF, MFC... Đây là những loại gỗ thường được sử dụng để làm bàn, tủ, ghế... Tuy nhiên, thực ra, những loại gỗ này không được làm từ gỗ tự nhiên mà đây là gỗ công nghiệp, sản xuất từ bột cenlulose. “Đây là những cây tạp được xay ra, hoặc mùn cưa,… sau đó, trộn keo có chứa formaldehyde. Formaldehyde có nhiều trong keo trộn bột gỗ dùng để kết dính các phần tử. Tùy vào từng loại keo mà thành phần formaldehyde sẽ có nhiều hoặc ít. Mục đích để kết dính cenlulose, tạo thành khối gỗ rắn chắc.
PGS Hoài cho biết thêm không phải gỗ công nghiệp nào cũng gây hại. Bởi gỗ kém chất lượng là khi dùng keo không áp dụng theo tiêu chuẩn quy định, không có quy trình kiểm nghiệm, sản xuất không đảm bảo an toàn.
Sản xuất theo tiêu chuẩn mới sẽ an toàn
Theo các chuyên gia, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất bởi các xưởng gia công, hộ sản xuất tại các làng nghề, nên khó kiểm soát formaldehyde trong sản phẩm nội thất. Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại gỗ công nghiệp có giá thành khá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, không được kiểm chứng chất lượng… Do đó, khi dùng các sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04 năm 2023 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Thông tư này vừa có hiệu lực vào ngày 1-1-2024.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng trước đó, quy chuẩn kỹ thuật 16 ban hành vào năm 2019 chỉ có 2 vật liệu liên quan đến nội thất là sơn tường dạng nhũ tương và tấm thạch cao. Nhưng đến phiên bản lần này (Quy chuẩn kỹ thuật 16 năm 2023) đã bổ sung thêm 2 loại vật liệu nội thất là vật liệu giấy dán tường và các sản phẩm gỗ công nghiệp.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Thông tư 04 đã đưa ra các ngưỡng về phát thải kim loại nặng đối với giấy dán tường, phát tán hàm lượng formaldehyt đối với các loại ván gỗ công nghiệp gồm ván sợi, ván dăm và ván thanh. Và ngưỡng phát thải của các chất hữu cơ dễ bay hơi cho sơn tường dạng nhũ tương, còn một chỉ tiêu nữa là hàm lượng S02 dễ bay hơi đối với vật liệu thạch cao.
Ví dụ như đối với sản phẩm gỗ công nghiệp ván sợi thì hàm lượng formaldehyt phát tán đối với phân loại E1 không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 9 mg/100g; còn đối với phân loại E2 thì hàm lượng formaldehyt lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 30 mg/100g.
Tương tự, với sản phẩm gỗ công nghiệp ván dăm hàm lượng formaldehyt phát tán không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc 0,7 mg/l, hoặc 8 mg/100g.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bên cạnh các quy định, tiêu chuẩn buộc nhà sản xúat phải tuân thủ, để chủ động giữ an toàn cho chính mìn, trước hết, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn sử dụng đồ nội thất. Đừng ham rẻ mà tiền mất tật mang, chọn những loại gỗ công nghiệp chất lượng kém, với quy trình sản xuất không đảm bảo, vượt quá ngưỡng an toàn cho phép.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/go-cong-nghiep-dung-ham-re-hai-suc-khoe-a643689.html