Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống

Mỗi năm cứ đến dịp Tết Trung thu, trên thị trường lại tràn ngập các loại đồ chơi điện tử với đủ chủng loại, xuất xứ, sản xuất theo kiểu công nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn những người thợ thủ công miệt mài gìn giữ nghề làm đồ chơi truyền thống bởi với họ, hướng về nguồn cội chính là yêu thương và trân trọng những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Những món đồ chơi dân gian tuy giản dị, nhỏ bé nhưng lại mang một ý nghĩa lớn lao, minh chứng cho sức sống trường tồn của những giá trị văn hóa dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

 Những chiếc đèn Trung Thu bằng giấy được làm bởi bàn tay tỉ mẩn của bà Sương

Những chiếc đèn Trung Thu bằng giấy được làm bởi bàn tay tỉ mẩn của bà Sương

Sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vùng quê nổi tiếng nhất cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống, 20 năm nay, từ khi theo chồng vào Quảng Trị lập nghiệp, cứ mỗi dịp Trung thu về, bà Nguyễn Thị Sương, ở Khu phố 1, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà lại hối hả, tất bật vót tre, gột hồ, cắt giấy bóng để chuẩn bị cho nhiều đơn đặt hàng đèn ông sao truyền thống đến từ khắp nơi trong cả nước. Trải qua không ít thăng trầm, có những lúc tưởng như phải bỏ nghề vì hàng không bán được nhưng bà Sương vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề.

Theo bà Sương, công việc làm đèn không mấy vất vả nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn và thời gian. Để có nguyên liệu sản xuất đèn, ngay từ tháng giêng, bà Sương cùng các thành viên trong gia đình phải lặn lội đến nhiều địa phương trong tỉnh để mua tre. Sau khi tre được cắt khúc để vận chuyển về thì công đoạn tiếp theo là ngâm. “Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại tre già, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn khung đèn. Khi chọn tre xong, phải chặt tre thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt, để được nhiều năm mà không bị hỏng. Sau khi ngâm xong thì đem phơi nắng rồi mới chẻ thành nan. Chẻ ra rồi lại phải phân loại xem những phần nào để làm nan, phần nào dùng để làm cờ…”, bà Sương cho biết. Ngoài ra, việc chọn, đặt giấy bóng cũng rất quan trọng. Giấy bóng sau khi được đặt về thì hầu hết đều phải cắt gọt thủ công, sắp xếp chọn lựa kĩ càng rồi đem nhuộm, in ấn các mẫu hình lên giấy bóng. Bàn in cũng được làm bằng gỗ, do chính tay những người thợ thủ công đục đẽo, khắc tạc theo ý muốn.

Để làm ra được một sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống, những người thợ thủ công như bà Sương phải ngồi hàng giờ để cắt, dán, thậm chí thức đến tận 12 giờ đêm. “Vất vả là thế nhưng giá thành mỗi sản phẩm chưa tương xứng so với công sức người sản xuất, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/sản phẩm với loại kích cỡ phổ thông. Có hôm vừa làm vừa ngủ gật nhưng vẫn phải cố gắng vì một năm mới có một lần, trẻ con còn háo hức huống hồ những người làm nghề truyền thống như chúng tôi. Có thể những đồ chơi này không hiện đại, bắt mắt bằng nhiều chủng loại đồ chơi khác đang có trên thị trường nhưng chắc chắn nó vẫn có sức hấp dẫn riêng mà các loại đồ chơi khác không bao giờ có được”, bà Sương chia sẻ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Sương phấn khởi cho biết thêm, những năm gần đây, số người đặt hàng nhiều hơn theo từng năm, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người quan tâm tới những món đồ chơi truyền thống hơn. Hiện nay, gia đình bà không còn phải mang hàng đi các chợ bán lẻ, mà cứ đến gần Trung thu là các đơn vị lại gọi điện hoặc đến trực tiếp để đặt hàng. Ngoài ra, nhà bà Sương còn trở thành một địa chỉ được nhiều bạn trẻ hoặc gia đình có con nhỏ thường xuyên lui tới để trải nghiệm.

Đồ chơi Trung thu là một phần không thể thiếu làm lên phong vị của Tết Trung thu cổ truyền. Ngày nay, dù có nhiều loại đồ chơi hiện đại, nhưng đồ chơi truyền thống vẫn được nhiều bạn trẻ tìm mua để đêm hội Trăng rằm thêm vui tươi, ý nghĩa. Bạn Mai Quang Duy, Phó Chủ nhiệm CLB Kĩ năng thanh niên và công tác xã hội TP. Đông Hà, chia sẻ: “Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Trung thu đến, tôi cùng nhiều bạn trẻ ở CLB Kĩ năng thanh niên và công tác xã hội TP. Đông Hà lại tổ chức các chương trình tình nguyện, mang hương vị Tết Trung thu đến với trẻ em nghèo, trẻ em người đồng bào dân tộc thiếu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nhắc tới Trung thu thì không thể không kể đến những chiếc đèn ông sao bởi dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng đối với tôi những chiếc đèn ông sao truyền thống luôn hiện hữu và là món quà ý nghĩa để dành tặng cho trẻ thơ trong dịp Trung thu”.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142092