Giữ gìn, phát huy giá trị cây di sản, cây cổ thụ

Cây cổ thụ nói chung và cây di sản Việt Nam nói riêng là 'báu vật' của mỗi làng quê, đã trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian và 'chứng kiến' nhiều dấu tích lịch sử của dân tộc. Những cây di sản, cây cổ thụ đã góp phần tạo cảnh quan môi trường, giá trị sinh thái và nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của nhân dân các địa phương, vì vậy việc bảo tồn, phát huy giá trị là cần thiết trong đời sống xã hội ngày nay.

Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý), tận mắt ngắm nhìn cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm. Nhìn từ xa cây tỏa bóng rợp mát góc sân, trước mặt là sân chơi thể thao của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tấn, 70 tuổi, người dân địa phương cho biết: Từ khi cây Đa tía được công nhận Cây di sản, người dân rất vui mừng, phấn khởi, coi đó là "báu vật" của làng. Mỗi khi dân làng mở hội hay sinh hoạt cộng đồng đều tổ chức các hoạt động dưới gốc cây tỏa bóng mát này. Hằng ngày, dân làng thay nhau quét dọn, chăm sóc, chặt tỉa những cành cây khô, phát hiện sớm nếu cây bị sâu bệnh gây mục, vì thế cây Đa tía lúc nào cũng xanh tốt.

Cây Đa tía ở thôn 2, Đinh Xá (TP Phủ Lý) được công nhận Cây di sản năm 2015 - là nơi dân làng sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Cây Đa tía ở thôn 2, Đinh Xá (TP Phủ Lý) được công nhận Cây di sản năm 2015 - là nơi dân làng sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Với sự trường tồn hơn 300 năm, cùng hơn chục bộ rễ ăn sâu xuống đất, cây có hình thù độc đáo, lạ kỳ và là niềm vinh dự, tự hào của người dân nơi đây. Bác Nguyễn Văn Nghĩa, người dân thôn 2, xã Đinh Xá cho biết: Từ khi tôi còn nhỏ đã thấy cây đa đứng sừng sững, uy nghi tỏa bóng mát giữa làng. Khi các cụ nhà tôi còn sống có kể lại là không biết cây đa có từ bao giờ, chỉ biết rằng trước đây, nơi đây dân làng thường ngồi nghỉ hóng mát mỗi khi đi làm đồng về, bởi xung quanh cành lá bao trùm bán kính hơn 30m. Thời chiến tranh, dưới tán cây có một cái điếm (giờ là miếu), dùng làm nơi nghỉ ngơi khi canh tuần làng…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng thôn 2, xã Đinh Xá cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị của cây là việc làm thường xuyên của địa phương, xung quanh khu vực cây lúc nào cũng được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ. Buổi chiều hằng ngày, các cụ già và trẻ nhỏ thường ra chơi dưới gốc cây đa, không khí lúc nào cũng vui nhộn, thích hợp để tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức trong toàn dân để cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và chăm sóc cây Đa tía di sản nói riêng, các cây cổ thụ của làng nói chung, nhằm gìn giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau hiểu về các giá trị văn hóa, di tích, lan tỏa niềm tự hào, bảo vệ tài nguyên môi trường thiên nhiên.

Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng các tiêu chí, như: đối với cây mọc tự nhiên, cây sống trên 200 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; đối với cây trồng, cây sống trên 100 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; đối với các loại cây khác, phải gần đạt tiêu chí của cây tự nhiên và cây trồng, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, mỹ quan.

Năm 2020, xã La Sơn (Bình Lục) có cây đa đền Thượng ở thôn Trung Sơn cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cây có tuổi đời trên 200 năm, trải qua nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, cây vẫn tỏa bóng mát quanh năm. Hay như mới đây nhất, ngày 26/5/2024, Ban Quản lý Di tích đình Ngò, thôn 1, Ngô Khê, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) đã long trọng tổ chức Lễ công bố và đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây Muỗm trên 350 năm tuổi. Tại buổi lễ, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chúc mừng địa phương; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích đình Ngò và người dân địa phương tiếp tục chung sức chăm sóc và bảo vệ cây di sản, cây cổ thụ để làm đẹp cảnh sắc quê hương, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp cây mang lại.

Cây di sản còn là nơi có thể tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, là nơi để mỗi người con đi xa tìm về cội nguồn, nhớ về quê hương bản quán. Khi được tặng Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, người dân địa phương càng tự hào và yêu quý cây hơn, luôn mong muốn được góp sức gìn giữ, tôn tạo để có thể trở thành một điểm du lịch, điểm tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của địa phương dài lâu. Cây di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

Tuy nhiên, các cây di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai; đặc biệt, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí, trong khi việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây phụ trách, đảm nhận. Chính vì vậy, các ngành chức năng, cơ quan, địa phương cần xác định sức khỏe của cây, qua đó đánh giá thể trạng, không để những tác động bất lợi có hại đến cây. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp cũng như cơ chế để công tác quản lý, bảo tồn cây di sản, cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh thực sự bền vững, mang lại giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Bá Tăng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh vật cảnh tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh, ngoài những cây di sản ra còn có nhiều cây cổ thụ gắn với di tích lịch sử. Các cây di sản nói riêng và cây gắn với di tích lịch sử nói chung hầu hết đều có giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với mỗi địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị sẽ giúp những địa điểm này có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức của cộng đồng, chung tay giữ gìn bảo tồn những cây cổ thụ, đặc biệt là những cây đã được vinh danh là Cây di sản Việt Nam cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Lê Dũng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/giu-gin-phat-huy-gia-tri-cay-di-san-cay-co-thu-131366.html