Giữ đất, giữ nghĩa tình nơi biên cương

Biên giới quốc gia qua địa bàn tỉnh Long An dài gần 135km, tiếp giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Vùng đất ấy không chỉ là nơi xác lập chủ quyền lãnh thổ mà còn là nơi lắng đọng tình người, nơi quân và dân như cá với nước, cùng nhau bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc bằng cả trái tim.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây trò chuyện cùng người dân địa bàn biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây trò chuyện cùng người dân địa bàn biên giới

“Không ai đứng ngoài cuộc đâu”

Một buổi sáng, tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, đóng tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Hiện nay, Đồn quản lý đoạn biên giới dài khoảng 14km thuộc địa phận xã Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông. Đón tôi là Trung tá Nguyễn Văn Hô - cán bộ vận động quần chúng của Đồn, với dáng người rắn rỏi, nụ cười hiền và cái bắt tay ấm áp. Anh Hô vui vẻ nói: “Về đây sẽ thấy biên giới hay lắm! Giữ đất là giữ tình. Không ai đứng ngoài cuộc đâu”.

Tôi theo anh đến cụm dân cư liền kề chốt biên phòng, nơi người dân cùng nhau dựng xây cuộc sống, phát triển kinh tế và đồng lòng bảo vệ biên cương. Ở đây, người dân nhắc nhiều về những mô hình đầy nghĩa tình như Con nuôi Đồn biên phòng, Nâng bước em tới trường, Cháo nghĩa tình,... Không chỉ hỗ trợ vật chất, những mô hình ấy còn là sợi dây gắn kết quân - dân nơi biên giới.

Anh Hô có nhiều năm làm công tác dân vận. Anh kể không ít lần, chính người dân đã báo tin về những đối tượng khả nghi, giúp lực lượng chức năng phát hiện buôn lậu, tội phạm. Tôi chăm chú nghe anh kể về những lần khám bệnh miễn phí, tặng quà cho người dân Campuchia phía bên kia biên giới. Những buổi phát thuốc, trao quà, những ánh mắt lạ mà thân đã trở thành "cầu nối" thắt chặt lòng tin giữa hai bên. Tình láng giềng được vun đắp từ những điều rất nhỏ mà rất thật.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, người dân xã Mỹ Quý Tây, chia sẻ: “Biên giới có đường ranh nhưng tình người thì không ranh giới”. Rồi ông kể về những cuộc thăm hỏi, trao đổi hàng hóa giữa hai bên biên giới, những mối quan hệ keo sơn từ bao đời. Nhà ai có đám tiệc là qua lại chia vui, có chuyện buồn thì cùng an ủi, động viên nhau.

Cũng như 20 xã biên giới của tỉnh, những năm qua, tại xã Mỹ Quý Tây, phong trào kết nghĩa cụm dân cư, xã với xã đối diện bên kia biên giới được triển khai hiệu quả. Các lực lượng chức năng hai bên thường họp, trao đổi thông tin và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, hỗ trợ nhau trong các dịp lễ, tết.

Chúng tôi rời cụm dân cư và ghé thăm Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 5, xã Mỹ Quý Tây - Ngô Thanh Tuyền. Chào đón chúng tôi với tách trà nóng, ông Tuyền kể: “Ngày trước, đường biên chỉ là lối mòn nhỏ, vậy mà người dân ai cũng thuộc từng cột mốc, từng bờ ruộng. Giờ có đường tuần tra, có đèn năng lượng mặt trời nhưng thói quen “canh đất như canh ruộng” vẫn còn nguyên”.

Theo ông Tuyền, người dân rất tích cực tham gia tự quản an ninh, trật tự địa bàn biên giới. Hễ thấy người lạ lảng vảng gần cột mốc, người dân liền gọi báo: "A lô, chú Tuyền hả, có người lạ gần biên giới kìa...” - ông Tuyền nói.

Để người dân có thể đồng hành cùng lực lượng giữ gìn biên giới, công tác tuyên truyền được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức thường xuyên, linh hoạt. Trung tá Nguyễn Văn Hô chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng để người dân hiểu rằng bảo vệ biên giới không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà là trách nhiệm, quyền lợi của chính người dân”.

Tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức gần gũi, sinh động qua Học kỳ quân đội, Tiết học biên cương cho học sinh đến các buổi tập huấn, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật gắn với giáo dục quốc phòng - an ninh. Mặt khác, những hoạt động như giao lưu văn nghệ hay mô hình Tiếng loa Biên phòng đưa pháp luật đến với người dân vùng biên một cách dễ nhớ, dễ hiểu.

Trung tá Nguyễn Văn Hô (thứ 2, trái qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây) cùng lực lượng chức năng tuyên truyền người dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn biên giới

Trung tá Nguyễn Văn Hô (thứ 2, trái qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây) cùng lực lượng chức năng tuyên truyền người dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn biên giới

Tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, chúng tôi dự một buổi phát thanh của Tiếng loa Biên phòng. Từ chiếc loa nhỏ, những bản tin pháp luật, cảnh báo buôn lậu, phòng, chống tội phạm ma túy vang đều đặn, xen lẫn là những lời nhắn “Người dân nhớ kiểm tra khóa cửa, cẩn thận người lạ mặt,...”.

Xây điểm tựa lòng tin

Tạm biệt huyện Đức Huệ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại ấp 3, xã Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa). Điểm dân cư này được xây dựng từ năm 2021, hiện có hàng chục hộ dân sinh sống, mỗi hộ sở hữu từ 5.000m² đến 6ha đất sản xuất. Người dân không chỉ dựng nhà, lập nghiệp mà còn góp phần dựng nên thế trận lòng dân vững chắc nơi miền phên giậu Tổ quốc.

Đây là điểm trong số 25 điểm dân cư với 320 căn nhà gần đồn, trạm biên phòng, chốt dân quân biên giới theo chính sách “An dân giữ đất biên cương” được Quân khu 7 phối hợp tỉnh xây dựng trong những năm gần đây (trong đó có đến 9 cụm nằm liền kề các đồn, trạm biên phòng). Không chỉ giúp người dân có chỗ ở ổn định, điểm dân cư này còn góp phần quan trọng trong bảo vệ đường biên bằng chính tai, mắt của người dân. Chốt trưởng Chốt dân quân xã Tân Hiệp - Dương Quốc Việt chia sẻ: “Người dân ở đây gương mẫu, chấp hành tốt pháp luật, tích cực lao động, sản xuất. Hễ có gì bất thường là báo liền cho lực lượng chức năng”.

Với những chính sách thiết thực, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và tinh thần đoàn kết giữa lực lượng vũ trang với nhân dân, vùng biên giới này đang dần "khoác" lên diện mạo mới. Không chỉ lo chỗ ở, tỉnh còn quan tâm việc học của con em vùng biên. Giữa cụm dân cư, ngôi trường Mầm non Tân Hiệp (xã Tân Hiệp) được xây dựng khang trang với diện tích gần 9.000m², tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng (trong đó Quân khu 7 hỗ trợ 5,3 tỉ đồng). Trường có đầy đủ phòng học, khu vui chơi, nhà ở giáo viên,...

Tháng 01/2025, trường khánh thành đúng dịp diễn ra sự kiện Xuân chiến sĩ lần thứ 10 do Quân khu 7 tổ chức. Hôm ấy, những đứa trẻ tung tăng chạy nhảy trong sân trường mới, ánh mắt phụ huynh rưng rưng. Năm 2025, trường đón 23 trẻ đến học, giúp phụ huynh không còn phải đưa con vượt 7,5km đến trung tâm xã mỗi ngày. Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phạm Tùng Chinh chia sẻ niềm vui: “Cuộc sống ổn định, người dân an tâm lao động, sản xuất và tích cực hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng chức năng giữ đất, giữ bình yên biên giới".

Rời biên giới trở về, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc về câu chuyện người dân gọi điện thoại báo tin về người lạ, lời nhắn từ chiếc loa tuyên truyền lưu động cùng hình ảnh những đứa trẻ tung tăng trong sân trường mới,... Ở miền biên viễn của tỉnh, “giữ đất” không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng của lực lượng bộ đội biên phòng mà còn là nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người dân. Mỗi mái nhà, mỗi cột mốc, mỗi cánh đồng là một điểm tựa để miền phên giậu Tổ quốc được giữ vững bằng nghĩa tình, lòng dân và sự đồng lòng./.

10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (giai đoạn 2015-2025), tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh tổ chức hơn 6.800 cuộc tuyên truyền tập trung với hơn 193.000 lượt người tham gia; gần 44.000 lượt người nghe tuyên truyền nhỏ, lẻ; phát thanh thường xuyên qua 14 cụm loa truyền thanh tại các trạm, chốt biên phòng.

Toàn tỉnh có 129 tập thể, hơn 2.800 hộ gia đình và 9.846 cá nhân tự nguyện đăng ký bảo vệ cột mốc, đường biên giới. Tỉnh đã trao tặng 2.193 phần quà, hỗ trợ thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 trị giá 3,4 tỉ đồng, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 4.657 người dân Campuchia và nhận đỡ đầu 19 học sinh Campuchia ( từ năm 2017 đến nay) có hoàn cảnh khó khăn.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-dat-giu-nghia-tinh-noi-bien-cuong-a195565.html