Giữ chữ 'công minh' trong thực thi công lý

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng nền tư pháp cách mạng, trong đó, ngành kiểm sát nhân dân (KSND) giữ vai trò trụ cột trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm qua cán bộ, công chức ngành kiểm sát Yên Bái ra sức học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức.

Trong những năm qua cán bộ, công chức ngành kiểm sát Yên Bái ra sức học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức.

Trong lần nói chuyện với cán bộ ngành kiểm sát vào năm 1959, Bác đã căn dặn ngắn gọn nhưng đầy sâu sắc: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. 5 đức tính quý báu ấy chính là kim chỉ nam cho mỗi cán bộ kiểm sát cả nước nói chung và cán bộ kiểm sát Yên Bái nói riêng trong quá trình rèn luyện phẩm chất và thực thi nhiệm vụ. Trong đó, chữ "công minh” không chỉ là phẩm chất đầu tiên được nhắc đến mà còn là nền tảng để hình thành nên các giá trị đạo đức và hành vi ứng xử của cán bộ ngành kiểm sát.

Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện KSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm và thống nhất.

Từ đó, mỗi cán bộ, kiểm sát càng thấy được lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó "công minh” giữ vị trí hết sức quan trọng. "công minh” chính là gốc rễ của công lý, là hành xử một cách ngay thẳng, không thiên vị, không để cảm xúc cá nhân hay lợi ích riêng ảnh hưởng đến nhận định, đánh giá.

Với người cán bộ kiểm sát, "công minh” chính là tấm gương phản chiếu đạo đức nghề nghiệp, là "ngọn đèn” soi sáng con đường đấu tranh vì công lý và sự thật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ kiểm sát phải đối mặt với nhiều áp lực, nhưng luôn giữ mình trong sạch, tâm thế độc lập, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào. Đó mới là sự công minh đích thực.

Công việc của cán bộ kiểm sát là gắn bó với hồ sơ, tài liệu, là đấu tranh không khoan nhượng với cái sai, cái xấu, đồng thời bảo vệ cái đúng, cái tốt. Việc đề xuất truy tố hay đình chỉ một vụ án, mỗi quyết định đều có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền con người, đến niềm tin của xã hội vào pháp luật. Chính vì vậy, mỗi cán bộ kiểm sát phải luôn tỉnh táo, khách quan và công minh trong từng phán đoán.

"Công minh” không nằm ở lời nói mà thể hiện qua hành vi cụ thể, từ cách đặt câu hỏi trong phòng hỏi cung, cách nghiên cứu hồ sơ, đến thái độ trong từng phiên tòa. "Công minh” cũng đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải tiếp cận đa chiều, đặt lợi ích chung, sự thật và công lý lên hàng đầu.

Một nền tư pháp trong sạch chỉ có thể tồn tại nếu những người làm pháp luật công minh. Và ngành kiểm sát mạnh là một ngành mà mỗi cán bộ đều ý thức được sức nặng của chữ "công minh” trong từng hành động của mình. Khi người dân tin vào sự công minh của viện KSND, họ sẽ mạnh dạn tố giác tội phạm, hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật. Khi bị can tin vào sự công minh của viện kiểm sát, họ sẽ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Khi người bị hại tin vào sự công minh của viện kiểm sát, họ sẽ cảm nhận được sự bảo vệ, an ủi trong hành trình tìm lại công bằng.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ ngành KSND tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm của Viện KSND Tối cao, của cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đặc biệt, mỗi cán bộ, nhân viên không những ra sức học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn mà còn giữ gìn phẩm chất đạo đức… Thông qua duy trì thường xuyên học tập lý luận chính trị, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, cập nhật kiến thức pháp luật và nâng cao bản lĩnh trước mọi thử thách, mỗi cán bộ ngành kiểm sát luôn coi "công minh” không chỉ là đức tính cá nhân mà là chuẩn mực tập thể, là yêu cầu bắt buộc trong mọi quy trình nghiệp vụ. Giữ sự công minh cũng là giữ mình, giữ sự liêm chính - một tài sản quý giá hơn mọi danh vị.

Bác Hồ đã đi xa nhưng giá trị tư tưởng của Bác nói chung, lời dạy của Bác với ngành KSND nói riêng vẫn tỏa sáng cho mỗi chúng ta. Chữ "công minh” vẫn luôn mang tính "thời sự” và sống mãi với ngành kiểm sát. Mỗi cán bộ kiểm sát hôm nay dù ở bất kỳ cương vị nào đều ghi nhớ lời Bác, lấy công minh làm nền tảng đạo đức, lấy sự thật làm mục tiêu tối thượng và lấy niềm tin của nhân dân làm phần thưởng cao quý nhất.

Ngô Thùy Dương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/350000/giu-chu-cong-minh-tr111ng-thuc-thi-cong-ly.aspx