Giới hạn số chữ trong bài thi Ngữ văn: Thí sinh viết trọng tâm, bớt mỹ từ sáo rỗng
Việc giới hạn chữ trong phần làm văn, giúp cho thí sinh biết chắt lọc từ ngữ, không viết lan man, dài dòng như những kỳ thi trước đây.
Nếu như những năm trước đây, khi thực hiện giảng dạy theo chương trình 2006 thì mỗi lần đi chấm thi tuyển sinh 10 hoặc thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với môn Ngữ văn, giáo viên rất mệt mỏi, áp lực trong nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ.
Vì thời gian làm bài 120 phút, ngữ liệu trong đề thi là những tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa nên nhiều học sinh viết đến trên dưới 10 trang giấy. Những bài thi được thí sinh viết chữ rõ ràng, sạch đẹp thì giám khảo còn đỡ vất vả. Những bài chữ xấu, nhỏ li ti khiến giáo viên vất vả vô cùng.
Nếu giám khảo không đọc hết thì bỏ sót ý, mà đọc hết một bài văn của học trò tốn rất nhiều thời gian bởi nhiều bài viết vừa đọc, vừa dịch hoặc đọc chữ trước, chữ sau đoán chữ ở giữa. Vì thế, mỗi đợt chấm thi thường kéo dài hàng chục ngày lê thê.
Tuy nhiên, bắt đầu từ kỳ thi năm nay- cả thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông không còn bài viết dài hàng chục trang giấy nữa bởi đề thi đã được giới hạn chữ cho phần viết (làm văn) nên giáo viên chấm thi cũng đỡ vất vả hơn trước đây rất nhiều. Đặc biệt, người viết tham gia chấm thi nhận thấy trong các bài thi thì những mỹ từ sáo rỗng đã giảm rất nhiều.

Ảnh minh họa: Phạm Thi
Đề thi chương trình mới đã cơ bản triệt tiêu được văn mẫu
Khi thực hiện chương trình 2006, đề Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông cứ quanh đi, quẩn lại có chừng trên 10 tác phẩm văn học trong sách giáo khoa và được áp dụng trong khoảng thời gian gần 20 năm trời nên mọi thứ đã trở nên quen thuộc.
Chính vì thế, học sinh tham dự 2 kỳ thi này cứ chừng ấy tác phẩm luyện đi, luyện lại và nhiều em đã thuộc làu. Chính vì biết trước đề thi sẽ ra trong giới hạn chừng ấy tác phẩm văn học nên đa phần học sinh chủ động học kĩ từng ý, từng nội dung và tham khảo văn mẫu để mở rộng ý, liên hệ vấn đề khá tốt.
Vào phòng thi, thí sinh tái hiện những gì đã học, đã thuộc là gần như sẽ đạt được điểm cao. Từ đó, dẫn đến những bài văn dài dằng dặc và nhiều bài văn na ná như nhau bởi nhiều học sinh luyện chung lò, hoặc đọc chung một tài liệu.
Những năm trước, việc chấm thi của thầy cô cũng vất vả hơn khi đọc bài viết và thẩm định, đánh giá bài vì nhiều xấp bài có nội dung bài viết gần giống nhau. Không biết đâu là văn của thầy, văn của trò. Văn mẫu tràn lan, dẫn đến sự sáng tạo của học trò hạn chế.
Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình 2018 và Bộ ban hành Công văn 3175/BGĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, đến nay dù còn có những khó khăn nhất định nhưng đã từng bước có những thay đổi tích cực khi học sinh không lệ thuộc vào văn mẫu, vào những tài liệu có sẵn như trước.
Đối với việc kiểm tra môn Ngữ văn tại các nhà trường thì hiện tượng văn mẫu vẫn còn vì nhiều lý do khác nhau nên thầy cô đa phần vẫn đang giới hạn ở một số tác phẩm cụ thể trong mỗi lần kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh 10 của các địa phương và thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, chúng ta thấy tất cả ngữ liệu trong đề Ngữ văn đã lấy ngoài sách giáo khoa (cả 2 bộ sách). Vì vậy, đa phần thí sinh dự thi khi tiếp cận đề đều mới mẻ hoàn toàn mới.
Chính vì ngữ liệu trong đề thi mới sẽ giúp cho học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực của mình. Thí sinh nào vẫn quen với việc học thuộc lòng hoặc ít đọc, vốn từ ít sẽ khó triển khai được phần làm văn một cách trôi chảy. Khó cảm thụ hoàn chỉnh được cái hay, cái đẹp của văn chương trong khoảng thời gian làm bài.
Về cơ bản, chúng ta đã triệt tiêu được văn mẫu trong các kỳ thi và hiện tượng điểm văn ở ngưỡng 8-9 điểm không còn nhiều như trước đây nhưng số lượng thí sinh có điểm dưới 5 cũng ít. Mục tiêu của chương trình môn học cơ bản đã đạt được và phân loại tốt đối tượng học trò cho mục đích của từng kỳ thi.
Cái gì mới cũng khó khăn, nhất là trong mỗi kỳ thi cử có tính cạnh tranh trong xét tuyển sinh 10 và xét tuyển đại học. Song, với những gì đang triển khai sẽ tạo nên những yếu tố tích cực trong dạy và học Ngữ văn cũng như trong thi cử đối với môn học này.
Giáo viên đi chấm thi môn Ngữ văn giờ đây không còn phải đọc nhiều như trước
Nếu như trước đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 chỉ giới hạn ở câu viết đoạn văn là 200 chữ, còn phần viết bài văn không giới hạn số chữ. Hơn nữa, một số địa phương không yêu cầu viết đoạn văn nên về cơ bản thí sinh dự thi tuyển sinh 10 viết tự do- miễn là có kiến thức, còn viết bao nhiêu trang đều được hết.
Giáo viên ôn thi, luyện thi luôn nhắc học sinh của mình viết nhiều khi làm văn để hy vọng giám khảo cho điểm cao vì quan niệm viết càng nhiều càng tốt. Có chữ là có điểm nên thí sinh tận dụng tối đa thời gian để viết cho thật nhiều.
Năm nay, đề thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đa phần đều giới hạn chữ cho phần viết đoạn và viết bài văn. Tối đa phần làm văn là 600 chữ. Thậm chí, có địa phương như An Giang không yêu cầu viết đoạn văn nhưng phần làm văn cũng chỉ yêu cầu viết 500 chữ.
Đối với đề Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay ngoài phần đọc hiểu, phần viết đoạn yêu cầu 200 chữ và phần làm văn yêu cầu 600 chữ. Việc giới hạn chữ này đã được ngành giáo dục hướng dẫn nên khi ôn thi thì giáo viên cũng đã hướng dẫn, dặn dò học sinh kĩ lưỡng.
Chính vì giới hạn số chữ trong phần làm văn như vậy nên đa phần bài thi môn Ngữ văn của thí sinh trong 2 kỳ thi này chỉ gói gọn trong một tờ giấy thi, hoặc sang tờ 2 chút ít là đảm bảo yêu cầu. Viết nhiều quá sẽ không còn phù hợp mà thậm chí còn bị trừ điểm vì làm sai yêu cầu của đề bài.
Việc giới hạn chữ, giúp cho thí sinh biết chắt lọc từ ngữ, không viết lan man như những kỳ thi trước đây. Vì thế, đọc bài văn của học sinh ngày nay có thể không còn hoa mĩ như những năm trước nhưng nội dung trọng tâm, trọng điểm và tính thực tế cao hơn.
Nếu như trước đây, khi giám khảo nhận 1 túi bài thi (40 thí sinh) thì thường dao động khoảng trên dưới 75- 80 tờ giấy thi. Nhưng, kỳ thi năm nay cũng 40 thí sinh nhưng số lượng thường dao động khoảng trên dưới 45 tờ giấy thi. Nhưng, tờ thứ 2 của thí sinh ít khi sang mặt giấy thứ 2.
Bản thân người viết bài vừa qua tham gia chấm thi tuyển sinh 10 cảm thấy nhẹ nhàng hơn những năm trước về thời gian làm nhiệm vụ.
Bước vào chấm thi, lãnh đạo sở giáo dục dự kiến chấm thi môn Ngữ văn trong 8 ngày nhưng khi chấm chỉ 6 ngày đã hoàn thiện. Rút ngắn được 2 ngày chấm so với dự kiến ban đầu. Chính vì thế, những giáo viên được sở giáo dục điều động đi chấm thi năm nay đỡ áp lực, vất vả hơn trước đây rất nhiều.
Ngày nay, khi mà trí tuệ nhân tạo đã ra đời thì quan niệm văn hay là phải dài thực tế đã không còn phù hợp. Vì thế, chương trình 2018 đối với môn Ngữ văn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và cũng đỡ áp lực cho giáo viên và học sinh khi giảng dạy, học tập và thi cử môn học này.