Giỗ ngoại ngày mưa

Báo Quảng Trị
Gốc

Giỗ ngoại lần này trời mưa không ngớt, tôi men theo con đường bê tông dẫn về làng. Nước lõa đồng trắng xóa, đây đó nổi lên vài chòi chăn vịt hay vài lùm cây đen ngòm điểm trong biển nước. Nhìn kĩ trong biển nước bàng bạc đó có vài dáng người lom khom đặt lưới đón con cá con tôm lạc đường. Có bầy vịt ướt lép nhép bị lùa về chòi tránh nước khua tiếng inh ỏi cả một khoảng ruộng. Quê ngoại tôi vùng trũng, làng trú ngụ ngay dưới chân rú cát. Mùa nắng, trời như gom hết nắng nóng đổ xuống vùng cát, nắng lóa cả mắt. Ngày mưa, cả vùng quê chìm trong cái ảm đạm, xám ngắt một màn mưa mỏng, nước luôn xâm xấp những con đường làng.

 Bánh tét giỗ ngoại

Bánh tét giỗ ngoại

Nhớ ngày nhỏ, cũng trong con nước như thế, tôi cùng ngoại đi nhổ khoai chạy lũ. Ngoại hớt hải đi như chạy khi nước đang mấp mé đường làng, tôi lon ton theo sau. Khoai đất cát gặp trời mưa, ngoại và tôi chỉ việc cầm dây khoai mà kéo thì cả củ cả thân đều theo nhau lên. Ngoại chất vào quang gánh, tất tả gánh về nhà, tôi bám sát sau chân ngoại. Nước lên mênh mông, tôi không còn nhận ra được đường đi nữa, nhưng kì lạ thay, đôi chân ngoại có thể vững vàng, thoăn thoắt theo các dường ruộng để về nhà như thể thuộc nằm lòng đường đi. Hôm đó khi về đến nhà, tôi phát hiện ra mình bị đĩa bám vào mắt cá chân. Ngoại gỡ nó ra khỏi chân tôi. Suốt đêm, tôi tròng trành không ngủ được, cứ ôm riết lấy ngoại, vì cứ vừa nhắm mắt lại thấy mình đang lội trong nước lũ nơi có loài thân mềm đáng ghét kia.

Những ngày mưa, cậu tôi đi đặt đó, giăng lưới, đi nơm không biết cơ man nào là cá to, cá nhỏ. Ngoại lại hì hụi phần thì kho lạt ăn xổi, phần hấp, sấy khô để dành. Nhưng tôi ám ảnh mãi mùi thơm và cay nồng của nồi cá vụn nước lụt kho lá gừng, lá ném với ớt cánh trong chiếc om đất của ngoại. Món cá kho này ăn với cơm trắng hoặc khoai lang luộc vào những ngày chớm rét thì không gì thú bằng. Một vài mùa nước sau tôi đi học xa không còn được về quê cùng ngoại nhổ khoai hay gặt lúa chạy lũ nữa. Rồi ngoại già yếu, trao lại việc đồng áng cho cậu mợ tôi.

Giỗ ngoại năm nay làm to. Cậu mợ tôi nấu hai nồi bánh tét. Ba mẹ tôi về quê trước một ngày gói bánh, rồi thức thâu đêm để canh lửa cho nồi bánh được chín đều dẻo thơm. Không riêng việc gói bánh vào dịp tết, quê ngoại tôi còn có phong tục gói bánh vào những dịp giỗ chạp. Nhà nào cũng trồng vài sào nếp dành cho giỗ chạp của gia đình, dòng họ. Bánh tét có nhân đậu xanh thơm lừng hoặc bánh tét trộn đậu đỏ không nhân. Mợ nói nấu nhiều bánh, trước cúng ông bà, sau thì phần cho con cháu mỗi người hai lóng (đòn) mang về làm quà, để cùng hưởng lộc thơm tho của đồng ruộng. Lóng bánh tét nghe như lóng (đốt) mía, lóng tre. Khác với những đòn bánh tét mập ú, nhiều nhân ở thành phố, bánh tét quê ngoại tôi nhỏ, dài, cân đối, xinh xắn, khi tét ra từng lát thì có thể bày sáu lát lên một chiếc đĩa nhỏ bằng bàn tay.

Trong ngày giỗ ngoại, cậu tôi bày mâm cúng đầy đủ các nơi trong gian thờ. Riêng phần cúng ngoại được bày lên chiếc mâm tròn bằng gỗ có chân đế rồi đặt lên bàn thờ. Chiếc mâm này tôi không rõ là bao nhiêu tuổi, chỉ nghe mẹ nói hồi chiến tranh, mấy phen chạy giặc, ngoại đều mang theo cho bằng được bên mình. Trên chiếc mâm mộc mạc ấy là một đĩa bánh tét nóng hổi được lót bằng lá chuối, một đĩa bánh chì cũng được bọc lá chuối, rồi cơm trắng cùng mấy món ăn. Tôi thắp nhang cúng ngoại, rì rầm nói chuyện với ngoại. Ngoại vui vẻ dùng bữa nghe ngoại. Hồi này ngoại phải ăn cơm cùng con cháu thì con cháu mới vui nghe ngoại. Đừng như ngày trước, ngoại luôn dè sẻn phần mình để chăm bẵm, nhường con nhường cháu. Cứ đến bữa ăn ngoại chạy lên chạy xuống bếp, thêm món này, tiếp món kia, cứ sợ không đầy cái dạ dày của những đứa cháu đang còn ham ăn ham chơi.

Vậy mà thấm thoắt đã mười năm ngoại về với mây trắng cỏ xanh.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=143885