Gieo 'mầm' tử tế: Bài 3: Thầy, cô của những lớp học đặc biệt

Học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau; lớp học là không gian được cải tạo lại; điều kiện dạy học thiếu thốn; đặc biệt thầy, cô giáo ở đó đều là những người tình nguyện dạy không lương… Tất cả đã làm nên sự đặc biệt của những lớp học tình thương nơi bìa rừng, lòng hồ.

Trẻ em khu vực thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí với giáo viên người nước ngoài do chị em chị Bùi Thị Thủy thành lập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trẻ em khu vực thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí với giáo viên người nước ngoài do chị em chị Bùi Thị Thủy thành lập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhờ có sự hy sinh thầm lặng của những thầy, cô giáo này mà trẻ em, thậm chí là người lớn ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn chưa từng đi học đã biết đọc, biết viết.

* Gieo chữ nơi bìa rừng, lòng hồ

30 năm nay, căn nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây cối và những tảng đá khổng lồ ở khu vực Rừng Lá (thuộc ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) là nơi học tập, vui chơi của 20 trẻ em trong độ tuổi đến trường. Hầu hết các em từ nhiều tỉnh, thành theo cha mẹ đi đến đây làm thuê nên không có giấy tờ tùy thân, không thể đến trường học. Thêm nữa, nơi sinh sống của gia đình cách trường học quá xa, đi lại khó khăn nên cha mẹ đành để các em tự chơi ở nhà.

Chị Nguyễn Thị Diệu, người phụ trách lớp học này, cho biết trong một lần tình cờ đến thăm chùa Thiền Lâm, chị được sư Thông Hòa kể về lớp học. Lớp học do sư Thông Hòa lập nên, có một thầy giáo lớn tuổi phụ trách. Đường đến lớp học có nhiều đoạn khó đi, cộng với tuổi cao, sức yếu nên trong một lần từ nhà đến lớp, thầy bị ngã xe dẫn đến chấn thương sọ não, lớp học phải tạm dừng.

Sau một thời gian dài điều trị, vì thương lũ trẻ nên thầy quay lại duy trì lớp học. Nhưng chỉ được ít lâu sau, sức khỏe thầy không đảm bảo nên lớp học lại rơi vào tình trạng không có người phụ trách.

"Tôi rất cảm phục việc làm của chùa Thiền Lâm; tâm huyết của thầy giáo già với lớp học và thấy thương cảm cho những đứa trẻ đang bơ vơ trên hành trình tìm con chữ. Vì lẽ đó, tôi tự nguyện được tiếp nối công việc còn dang dở này" - chị Diệu bộc bạch.

Chị BÙI THỊ THỦY (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, ngoài lớp học diễn ra vào các buổi tối thứ hai, tư, sáu (mỗi buổi 2 ca), ngày chủ nhật hàng tuần chị còn tổ chức những buổi workshop tại quán cà phê để tạo cơ hội cho trẻ em trong cộng đồng được tiếp cận với tiếng Anh.

Ban đầu, chị tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhưng từ khi có con nhỏ, phải đưa đón con đi học nên chị chỉ dành một buổi chiều để dạy. Chị dạy viết chữ, tập đọc, tập làm văn, làm toán, dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân. Nhờ có lớp học mà trẻ em của gần 20 gia đình sinh sống tại khu vực này thoát cảnh tự chơi tại nhà trong khi cha mẹ đi làm thuê.

Là một trong những đứa trẻ lớn nhất trong lớp học, em Nguyễn Văn Tiến (12 tuổi) chia sẻ: “Con theo cha mẹ đi làm thuê từ chỗ này qua chỗ khác. Trước con học ở đây một thời gian rồi, nhưng sau phải nghỉ để theo cha mẹ qua xã khác. Khi quay về đây ở thì con tiếp tục đi học lại. Trước con, 2 anh của con cũng học chữ tại đây và đã biết đọc, biết viết”.

Giữa lòng hồ Trị An, khu vực thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nhiều năm nay vang lên tiếng trẻ em và cả người lớn tập đọc mỗi ngày. Lớp học có khoảng 30 trẻ em theo cha mẹ từ Campuchia hồi hương Việt Nam và 10 người lớn (từ 50-60 tuổi).

Theo chia sẻ của đại đức Thích Chơn Nguyên, trụ trì đạo tràng Liên Sơn (người lập nên lớp học), cách đây 5 năm, thấy nhiều trẻ ở khu vực này không có điều kiện đến trường, ông tìm cách mở lớp nhưng khi đó mới chỉ có 5 em theo học. Sau này lớp học tăng lên 30 em, ông đã tìm mua một nhà bè cũ và cùng với một số người dân ở làng bè góp công sức, tiền bạc để gia cố thêm cho nhà bè. Có được không gian rộng rãi, ông đã tạo điều kiện cho người lớn tuổi chưa biết chữ theo học.

Để phụ huynh tích cực đưa trẻ đến lớp đều đặn và trẻ có cơ hội được học tập, vui chơi thoải mái, đại đức Thích Chơn Nguyên vận động mạnh thường quân hỗ trợ các em 2 bữa ăn trưa và chiều. Không chỉ dạy chữ, các em đến lớp còn được dạy đạo đức, dạy kỹ năng, không nói tục, không chửi thề. Bên cạnh đó, tranh thủ buổi trưa lúc học trò ngủ, đại đức Thích Chơn Nguyên chèo xuồng đến từng gia đình để tuyên truyền cho cha mẹ các em cần chuẩn mực trong lời nói, không chửi thề để làm gương cho con noi theo. Nhờ vậy, làng bè dần ít đi những câu chửi thề trong giao tiếp.

* Giúp trẻ rèn kỹ năng

Song song với các lớp học tình thương, tại Đồng Nai còn có những lớp học rèn luyện kỹ năng miễn phí.

Vốn là người mê thể thao, từng tham gia thi đấu nhiều giải bóng đá, cộng với việc trong ấp có sẵn sân bóng đá của nông trường nên ông Lê Đình Hiệp (72 tuổi, ngụ khu phố Núi Đỏ, phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh) quyết định tạo sân chơi cho trẻ em như một cách để ông đền đáp những ân tình mà mảnh đất này đã đem đến cho gia đình mình. Ông đã đến từng nhà thông báo với cha mẹ các em về việc mình sẽ dạy bóng đá miễn phí ở sân bóng của ấp. Thấy con em có nơi vui chơi, phát triển kỹ năng nên cha mẹ nào cũng đồng ý cho con tham gia.

17 năm qua, cứ 15h hàng ngày (thứ bảy tập thêm ca sáng), ông có mặt ở sân bóng để hướng dẫn trẻ em trong xóm luyện tập. Lớp tập bóng đá của ông trở thành nơi quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Bàu Sen và các xã, phường lân cận. Từ chỗ chỉ có một số trẻ đến chơi, đến nay phải chia thành 4 nhóm từ thanh thiếu nhi cho đến người lớn.

Ông Quang Hậu, người dân ở phường Bàu Sen, cho hay: “Trước đây, tôi cũng tham gia tập bóng đá. Rồi đến 2 con tôi cũng tới đây học và chơi. Vậy là mỗi chiều, tôi đưa 2 con đến đây luyện tập. Đây là cách giúp các con bớt chơi game, lướt web. Tôi hy vọng sân chơi này tiếp tục được duy trì để trẻ em được sống đúng với tuổi thơ của mình”.

Không chỉ dạy bóng đá, ông Hiệp còn giáo dục đạo đức cho các em. Em Đào Tuấn Hy (ngụ khu phố Núi Đỏ) nói: “Con tập đá bóng ở đây từ lúc 9 tuổi. Yêu cầu ông Hiệp đặt ra cho bọn con là không được nói tục, không chửi thề khi đến lớp, không cự cãi dẫn đến xích mích, “động tay động chân” với nhau. Trước và sau giờ tập, cả nhóm dọn đẹp rác ở khu vực chơi bóng”.

Ngoài dạy và điều hành cơ sở tiếng Hoa, ông Lìu Chỉ Khìn, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), còn thành lập và trực tiếp hướng dẫn biểu diễn lân - sư - rồng, dạy võ thuật miễn phí cho thanh thiếu nhi trong xã. Ngoài ra, ông còn cùng con gái lớn đứng ra tổ chức lớp học múa miễn phí cho học sinh trong xã tham gia sinh hoạt vào mỗi tối cuối tuần. Việc làm của ông Lìu Chỉ Khìn đã tạo ra sân chơi lành mạnh cho 30-50 thanh thiếu niên đến tham gia sinh hoạt.

Ông Khìn chia sẻ: “Trẻ em ở nông thôn thiếu sân chơi. Nhiều em ham chơi tìm đến sông suối để tắm mát mà không có người lớn trông chừng dẫn đến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm. Hay có trường hợp các em tụ tập nhau lại rồi gây phiền hà cho hàng xóm. Từ đó, tôi nảy ra ý định tạo sân chơi cho các em”.

Trải qua nhiều lớp học tiếng Anh nhưng em gái của chị Bùi Thị Thủy (ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) không thể giao tiếp được tiếng Anh. Lên Google tìm giải pháp thì em chị Thủy vô tình tìm thấy website: http://www.workaway.info. Thông qua website này, em của chị Thủy kết nối với tình nguyện viên người nước ngoài để tăng cường giao tiếp tiếng Anh. Với mong muốn làm việc gì có ích cho cộng đồng, cuối năm 2019, chị Thủy cùng người em góp tiền làm một căn nhà lá, kết nối với tình nguyện viên nước ngoài mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho 30 trẻ em không có điều kiện được học thêm tiếng Anh. Bản thân chị hỗ trợ tình nguyện viên về việc ăn, ở.

4 năm mở lớp, 2 chị em Thủy đã có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, đồng thời đem lại cơ hội rèn luyện tiếng Anh cho nhiều trẻ em trên địa bàn.

Nga Sơn - Văn Truyên

Bài 4: Lan tỏa việc tử tế

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/gieo-mam-tu-te-bai-3-thay-co-cua-nhung-lop-hoc-dac-biet-8625b08/