Gieo hạnh phúc cho gia đình quân nhân hiếm muộn ở Hải Dương
Trên hành trình gian nan 'tìm con', các cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn ở Hải Dương đã nhận được sự hỗ trợ. Nhiều gia đình đã tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Hạnh phúc
Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Phóng công tác tại Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập gia đình từ năm 2013, khi anh 29 tuổi. Hai bên gia đình đều hy vọng vợ chồng anh sớm có tin vui để hạnh phúc thêm vẹn tròn.
Do đặc thù của công việc nên anh Phóng không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến niềm mong mỏi có con của vợ chồng anh kéo dài thêm.
Hơn 6 năm kể từ ngày cưới cũng là từng ấy thời gian vợ chồng anh vất vả ngược xuôi tìm đến các bệnh viện uy tín trong lĩnh vực chữa trị hiếm muộn.
Ôm 3 đứa con đủ nếp, đủ tẻ xinh xắn, kháu khỉnh vào lòng, anh Phóng xúc động cho biết các con là niềm mong mỏi và hành trình đầy gian nan của 2 vợ chồng anh.
“Đã có lúc vợ chồng tôi buông xuôi, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân, đồng đội, đơn vị, chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn trên hành trình tìm hy vọng”, anh Phóng chia sẻ.
Trong suốt quá trình chữa trị, anh Phóng được cấp ủy, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện về thời gian; đồng đội thường xuyên chia sẻ, động viên. Anh còn được Bộ Quốc phòng hỗ trợ 50 triệu đồng.
Kiên trì điều trị theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đầu năm 2019, vợ chồng thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Phóng đã có con gái đầu lòng trong niềm vui của gia đình, người thân và đồng đội.
Niềm vui được nhân ba khi đến năm 2023, gia đình anh Phóng đón thêm 2 bé trai sinh đôi. Câu chuyện của vợ chồng anh Phóng đã truyền cảm hứng cho những đồng đội khác cùng hoàn cảnh.
Ở tuổi 32, Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thu Hà, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hạnh phúc vô bờ khi đón con đầu lòng.
Hơn 3 năm điều trị hiếm muộn cũng là quãng thời gian chị nhận được sự quan tâm, động viên từ đồng đội, cấp trên giúp chị Hà thoải mái tinh thần hơn mỗi khi đi chữa trị. Sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Quốc phòng 50 triệu đồng phần nào giúp vợ chồng chị giảm bớt gánh nặng về kinh tế trên hành trình “tìm con”.
Nhân văn
Thông tư 187/2017/TT-BQP ngày 9/8/2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số điều về tiêu chuẩn vật chất quân y theo Nghị định số 76/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng quy định rõ về chi phí cho khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn cho bộ đội.
Theo Ban Quân y, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, quân nhân hiếm muộn thường là sĩ quan trẻ hoặc quân nhân chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí điều trị rất tốn kém.
Sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thắp lên niềm hy vọng cho cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn để họ có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ, từ đó yên tâm cống hiến, thực hiện nhiệm vụ. Đây không chỉ là hạnh phúc riêng của mỗi gia đình quân nhân hiếm muộn mà còn là niềm vui chung của các cơ quan, đơn vị.
Cùng với anh Phóng, chị Hà, thực hiện chủ trương nhân văn của Bộ Quốc phòng, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đề xuất hỗ trợ kinh phí điều trị hiếm muộn cho 12 quân nhân, mức hỗ trợ 50 triệu đồng. Trong đó, có 4 quân nhân được hỗ trợ từ 2-3 lần chữa trị (50 triệu đồng/lần). Nhiều quân nhân đã hái được “trái ngọt”, được làm cha, làm mẹ trong niềm hạnh phúc.
Theo Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hồ Sỹ Quyện, hỗ trợ quân nhân hiếm muộn là chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ Quốc phòng. Trong tổ chức thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ rà soát điều kiện công tác, gia đình, nơi điều trị… để có các chủ trương, biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thời gian cho các quân nhân yên tâm chữa trị. Đây cũng là tình cảm, sự sẻ chia, động viên quân nhân thêm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.