Giáo viên có được quyền khám cặp sách của học sinh?

Việc giáo viên kiểm tra cặp sách của học sinh vẫn thường xuyên xảy ra trên thực tế. Vậy theo quy định của pháp luật, giáo viên có được quyền khám cặp sách của học sinh?

Xôn xao sự việc giáo viên yêu cầu kiểm tra cặp sách học sinh

Trên một diễn đàn của học sinh đăng tải thông tin: "Giám thị có vào lớp mình xin giáo viên bộ môn cho vài học sinh nam qua phòng giám thị để kiểm tra cặp đột xuất nên bạn mình cũng dọn đồ và qua bên đấy. Nhưng khi bạn mình qua, sau khi đã kiểm tra cặp xong rồi thì thầy đã bắt lột hết đồ trên người với mục đích là để thầy kiểm tra".

Và bạn mình đã báo lên ban giám hiệu nhà trường nhưng ban giám hiệu lại xử lý bằng cách nói những bạn này đã vi phạm tội nặng trước đó nên kiểm tra kỹ vậy là điều đương nhiên. Mặc dù ban giám hiệu có xin lỗi và nói rằng sẽ làm việc lại với giám thị cũng như là sẽ kỷ luật nhưng trước khi bạn mình nhận được lời xin lỗi thì những bạn đấy phải xin lỗi ban giám hiệu trong khi các bạn đang là nạn nhân.

Và chính các bạn cũng không nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ chính thầy phụ trách việc kiểm tra cặp ngày hôm đấy. Từ khi nào giám thị của trường được phép yêu cầu học sinh cởi hết quần áo (trừ đồ lót)?".

Bài đăng này thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh học sinh. Vụ việc giám thị yêu cầu học sinh cởi đồ được một số phương tiện truyền thông xác minh xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Hermann Gmeiner, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều giáo viên và học sinh còn cho biết thêm, việc thầy cô giáo và giám thị khám xét, kiểm tra cặp sách của học sinh vẫn thường xuyên xảy ra tại các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trường tư thục.

Giáo viên được quyền khám cặp sách của học sinh?

Giáo viên là người trực tiếp dạy dỗ, quản lý học sinh trong trường học. Tùy từng cấp học mà giáo viên sẽ có cách ứng xử cũng như quản lý học sinh khác nhau.

Thông thường, giáo viên sẽ không tự ý kiểm tra cặp sách của học sinh. Tuy nhiên trong một số trường hợp xảy ra mất cắp hay vi phạm nội quy, nhiều giáo viên vẫn yêu cầu khám xét cặp sách của học sinh để kiểm tra. Để biết giáo viên có được quyền khám cặp sách của học sinh hay không, trước tiên cần căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 192, 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chỉ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan công an mới được phép khám xét người khi có căn cứ nhận định trong người có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có.

Do đó, giáo viên không có quyền được khám cặp sách của học sinh. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo nên tâm lý hoang mang, sợ hãi. Tệ hơn nữa, khi bị khám cặp, học sinh có thể phát sinh tâm lý xấu hổ khi bị nghi oan dẫn đến hành vi tiêu cực.

Việc giáo viên tự ý khám cặp sách đồng thời có thái độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh là vi phạm các quy phạm của nhà giáo. Nếu nghiêm trọng có thể sẽ bị xử lý kỉ luật bằng các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc theo Luật Viên chức.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục, các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự còn có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT, giáo viên cần làm những điều có ích cho học sinh, tạo ra môi trường giáo dục văn minh, công bằng, lành mạnh.

Các hành vi phù hợp được khuyến khích của giáo viên gồm: Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe, động viên khích lệ người học. Giáo viên dử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh. Giáo viên mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tích cực phòng, chống bạo lực học đường.

Hay theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, giáo viên phải công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học. Có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp. Sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học. Có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với người học.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-co-duoc-quyen-kham-cap-sach-cua-hoc-sinh-17923041715483606.htm