Giao thông TP.HCM chuyển biến tích cực sau Nghị định 168: Tai nạn giảm sâu, ý thức người dân nâng cao

Nghị định 168 mang lại những tín hiệu tích cực về giảm tai nạn giao thông cho TP.HCM, nhưng vẫn còn nhiều thách thức về ùn tắc cần được giải quyết.

Ngày 16/1, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM đã công bố những số liệu đáng mừng về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Theo đó, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể trên cả ba tiêu chí so với thời gian liền kề (từ ngày 18/12/2024 đến 31/12/2024).

Tai nạn giao thông giảm sâu

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 14/1, toàn thành phố ghi nhận 31 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 14 người tử vong và 16 người bị thương. So với hai tuần cuối năm 2024, số vụ tai nạn đã giảm 42 vụ (tương đương 58%), số người chết giảm 1 người (7%) và số người bị thương giảm đến 40 người (71%). Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đang phát huy hiệu quả.

Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng Cảnh sát giao thông TP.HCM đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý 23.924 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đáng chú ý, 3.958 trường hợp đã bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và 8.898 phương tiện bị tạm giữ. Tổng số tiền phạt ước tính nộp vào kho bạc nhà nước lên đến hơn 87 tỉ đồng.

Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm: vi phạm nồng độ cồn (7.448 trường hợp), vi phạm tốc độ (2.664 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (475 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (1.572 trường hợp) và dừng, đỗ xe không đúng quy định (1.766 trường hợp). Những con số này cho thấy lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Điều chỉnh giao thông linh hoạt, giảm ùn tắc cục bộ

Thượng tá Hà, đại diện PC08, cho biết Nghị định 168 có hiệu lực trùng với thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu đi lại, mua sắm và vận chuyển hàng hóa tăng cao, dẫn đến mật độ phương tiện giao thông gia tăng và gây ùn tắc cục bộ trên một số tuyến đường.

Qua quá trình điều phối giao thông, lực lượng chức năng đã phát hiện một số bất cập trong việc điều hành giao thông, đặc biệt là tại những giao lộ mà xe máy không được phép rẽ phải (hoặc đi thẳng) khi đèn đỏ, gây ra tình trạng ùn tắc. Để giải quyết vấn đề này, Công an TP.HCM đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải thống nhất triển khai một số giải pháp linh hoạt, bao gồm:

Bổ sung đèn báo hiệu cho phép xe hai bánh rẽ phải (hoặc đi thẳng) khi đèn đỏ tại một số giao lộ.

Điều chỉnh thời lượng chu kỳ đèn tín hiệu giao thông một cách hợp lý giữa các chiều đường.

Rà soát và sửa chữa các đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng.

Theo dõi thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc cục bộ đã có dấu hiệu giảm dần sau khi áp dụng các biện pháp trên. Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để rà soát, lắp đặt, sửa chữa và bổ sung thêm đèn tín hiệu giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn hơn cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe hai bánh.

Một vấn đề khác được Thượng tá Hà đề cập là tình trạng xe dừng chờ đèn đỏ chắn lối đi cho xe máy rẽ phải. Nguyên nhân được xác định là do người tham gia giao thông thiếu quan sát biển báo và không nhường đường cho xe phía sau có nhu cầu rẽ phải tại những vị trí đã được lắp đèn báo hiệu cho phép rẽ phải. Để khắc phục tình trạng này, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp và đề xuất Sở Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung phân làn đường và sơn chỉ dẫn rõ ràng hơn.

Ý thức giao thông được nâng cao

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cũng chia sẻ thông tin về những chuyển biến đáng ghi nhận về ý thức tham gia giao thông của người dân trong tuần qua. Các lỗi vi phạm như chạy xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ đã giảm đáng kể. Số vụ tai nạn giao thông cũng giảm sâu so với cùng kỳ và những ngày liền kề.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý tình trạng đông đúc, ùn ứ vẫn xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường huyết mạch, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm, cùng với việc người dân chấp hành nghiêm luật giao thông hơn, dẫn đến dòng phương tiện kéo dài hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông hiện tại cũng chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, TP.HCM hiện đang quản lý hơn 10 triệu phương tiện cá nhân, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và phần còn lại là xe gắn máy. Bên cạnh đó, lượng phương tiện từ các tỉnh khác đổ về thành phố cũng góp phần làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông.

Hoàng Anh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/giao-thong-tphcm-chuyen-bien-tich-cuc-sau-nghi-dinh-168-tai-nan-giam-sau-y-thuc-nguoi-dan-nang-cao-c2a89886.html