Giao thông Bình Dương với 'sức ép' của công nghiệp hóa- đô thị hóa
Tỉnh Bình Dương đang chịu sức ép về phát triển kinh tế công nghiệp cũng như tăng dân số cơ học càng ngày càng đông, việc quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở càng ngày càng phức tạp đã dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn bị quá tải...
Cứ mưa lớn là…ngập
Những ngày này, Đông Nam bộ đang bước vào mùa mưa. Đối với tỉnh Bình Dương cũng không ngoại lệ, tình trạng ngập cục bộ trên một số tuyến đường do mưa và triều cường đang diễn ra tại tỉnh này, phần nào đang gây khó khăn cho cuộc sống người dân và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do người tham gia giao thông tránh các vũng nước trên đường.
Mới đây nhất, vào tối ngày 16-7-2019, cơn mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh này đã khiến cho Quốc lộ 13 đoạn qua thị xã Thuận An ngập nặng, hàng ngàn phương tiện “bơi” trong biển nước, nhiều xe cộ bị chết máy, người dân phải đẩy bộ hoặc thuê xe ba gác tới hộ tống.
Tình hình ngập trên Quốc lộ 13 có nhiều điểm, nhưng điểm ngập nặng nhất là đoạn ngã tư cầu Ông Bố, do lượng nước lớn từ khu vực phường Bình Hòa, Lái Thiêu và KCN VSIP đổ về. Được biết, UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương đầu tư công Dự án Sửa chữa, nâng cấp Hệ thống kênh thoát nước KCN Bình Hòa và giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án có nhiệm vụ Tiêu thoát nước cho diện tích 1.143 ha để đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
người dân khó khăn trong di chuyển
Bà Bùi Phương An, người tham gia giao thông bức xúc nói, một lần trên đường từ Sài Gòn về Bình Dương, tới đoạn siêu thị Lotte trên Quốc lộ 13, tôi gặp trời mưa lớn, nước ngập kéo dài nhiều tiếng đồng hồ khiến giao thông trở nên hỗn loạn, “Nước thì ngập sâu, xe cộ di chuyển khó, phải mất hàng tiếng đồng hồ tôi mới thoát ra khỏi đoạn đường ám ảnh này”, bà An thở dài cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, thị xã Thuận An là địa bàn có nhiều điểm ngập khá nặng, ngoài đoạn qua Quốc lộ 13, thì tuyến đường Thuận Giao 21, khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao hay là đường Hồ Văn Mên đoạn qua phường An Thạnh cũng thường xuyên rơi vào cảnh người dân phải “lúm khúm” đẩy xe mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường.
Theo thống kê, thì địa phương này có tới khoảng 21 điểm ngập, trong đó 19 điểm đã và đang được ngành chức năng xử lý tạm. Được biết, tại đây có 2 dự án đang triển khai thi công, gồm dự án trục thoát nước Chòm Sao - suối Đờn (hiện đã hoàn thành đoạn suối Đờn, đang thực hiện đền bù và thi công đoạn rạch Chòm Sao) và Dự án thoát nước Suối Cát - Bưng Bịp (đang triển khai thi công).
Đường sá xuống cấp
Tình trạng tăng dân số cơ học là nguyên nhân chính khiến phương tiện tham gia giao thông tại Bình Dương ngày càng đông vào những giờ cao điểm, đặc biệt là ngã tư các giao lộ 550, An Phú, ĐT743- Mỹ phước Tân Vạn, ngã năm Phước Kiến…Áp lực lưu lượng xe quá nhiều, nên một số tuyến đường giao thông quan trọng tại tỉnh Bình Dương xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều đoạn đường dài bị bong tróc, xuất hiện những ổ voi “khủng” có diện tích lớn và sâu. Thậm chí, có đoạn đường bị bong phần thảm nhựa dài hàng chục mét thay vào đó là đá dăm, đá cục lởm chởm.
Phóng viên tận mắt “mục sở thị” đoạn đường trên tỉnh lộ ĐT 743, với chiều dài khoảng 2km từ Ngã tư 550 đến gần vòng xoay An Phú, thuộc địa bàn 2 thị xã Dĩ An và Thuận An đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất là đoạn ngay Công ty TNHH American home hay là đoạn ngay ngã tư 550…Theo thời gian, các “hố” xuất hiện trên mặt đường ngày một nhiều, khi trời mưa thì nước đọng lênh láng, mênh mông trên mặt đường, kể cả trời không còn mưa nữa thì nước cũng không thể thoát hết do hệ thống cống tiêu thoát không có.
Theo quan sát, đoạn đường này hàng ngày có một lượng xe đầu kéo, xe công ten nơ cực kỳ đông đúc, với trọng tải lớn, ngày đêm lưu thông chở hàng hóa ra vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến xe đầu kéo tại đoạn đường này cũng không phải là ít.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trương Minh Cảnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết các vụ tai nạn ngoài nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông chưa chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, thì việc đường sá xuống cấp cũng hết sức đáng lo ngại.
Đường sá xuống cấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn tỉnh này thời gian qua. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm tại Bình Dương đã xảy ra 731 vụ tai nạn giao thông, chết 133 người, bị thương 777 người, làm hư hỏng 1.313 phương tiện.
“Đề nghị ngành chức năng cần phải nhanh chóng có kế hoạch tu sửa nâng cấp, chứ không thể để đoạn đường với quá nhiều “ổ voi” “ổ gà” tồn tại như thế, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện ngày đêm qua lại nơi đây”, đó là tâm tư của anh Đậu Đình Thắng, người thường xuyên di chuyển qua đoạn đường ĐT743.
Giao thông Bình Dương vốn vẫn được mệnh danh là một trong những địa phương tốt nhất cả nước, với những cung đường đẹp như tranh vẽ, ngay cả với tuyến Quốc lộ 13 trước đây đã được ví như “con đường tơ lụa”, là “xương sống” theo hướng Bắc – Nam của tỉnh Bình Dương, phục vụ đắc lực cho yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, tại kỳ họp thứ 9 (bất thường) vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX đã thống nhất thông qua Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2019 - 2022.
Hy vọng rằng, một ngày không xa nữa, giao thông Bình Dương lại trở về với hiện trạng đã từng có của những năm về trước, không còn ổ voi, ổ gà, không còn cảnh “ngụp, lội” khi mưa đến.