Giao Long phát triển nghề chế biến thủy sản

Giao Long là xã ven biển huyện Giao Thủy; bao đời người dân chủ yếu làm nghề đi biển đánh bắt và nuôi hải sản. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đã phát triển thêm nghề chế biến thủy sản. Mặc dù chưa sôi nổi như nghề đi biển hay nuôi thủy sản song nghề chế biến bước đầu đã mang lại hiệu quả, xây dựng được sản phẩm đặc trưng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nữ của địa phương.

Chế biến thủy sản tại cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Thìn, xóm 5 xã Giao Long (Giao Thủy).

Chế biến thủy sản tại cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Thìn, xóm 5 xã Giao Long (Giao Thủy).

Đến nay, địa phương có 165 tàu khai thác xa bờ có công suất tàu từ trên 40CV trở lên, sản lượng khai thác hàng năm bình quân đạt gần 4.000 tấn. Trước đây toàn bộ số tôm cá đánh bắt được các tàu đều bán cho thương lái hoặc người dân mua nhỏ lẻ. Gặp hôm thời tiết bất thuận, không bán nhanh thì hải sản sẽ giảm chất lượng nên thường bị tư thương ép giá khiến chủ tàu và người lao động chịu nhiều thiệt thòi. “Cái khó ló cái khôn”, nhờ giao thông, hạ tầng phát triển, mạng xã hội cung cấp nhiều thông tin nên bà con đã học thêm nghề chế biến thủy sản. Chẳng hạn, tôm, bề bề được giữ lại làm nguyên liệu bóc lấy nõn thịt cung ứng ra thị trường. Chị Trần Thị Thìn, xóm 5 là một trong những hộ đầu tiên của xã làm nghề bóc nõn tôm cho biết: Tôm vàng, bề bề từ thuyền mang về còn nhảy tanh tách được rửa sạch và hấp với chút muối cho vừa chín tới để con tôm săn chắc, ngọt thịt rồi vớt ra để ráo trước khi bóc vỏ. Đây là công đoạn quyết định đến chất lượng sản phẩm bởi vừa chín tới, thịt tôm chắc, đảm bảo chất dinh dưỡng nhưng không đủ nhiệt, thịt tôm tanh, vỡ nát mà quá lửa nõn tôm khô quắt, mất độ ngọt, dai, thơm đặc trưng. Sau đó lựa kéo sắc cắt bỏ đầu, lia sát dọc hai bên thân để loại bỏ diềm và vỏ, gai nhọn. Công đoạn này cũng không nên cắt quá sâu vào trong vì sẽ cắt phạm nhiều vào phần thịt, bề bề không còn nguyên vẹn dễ vỡ nát lại mất thẩm mỹ làm giảm giá trị thành phẩm. Đến lúc này chỉ khẽ tách vỏ phần đuôi bề bề ra là được nguyên vẹn nõn bề bề. Cứ thế trăm con như một xếp thành từng khay 0,5kg cấp đông, hút chân không gửi đến khách hàng. Lợi thế của sản phẩm là nguyên liệu lấy tận gốc, sơ chế trực tiếp ngay tại vùng chân sóng nên tươi, ngon và có giá thành rẻ hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường nên nhanh chóng được người tiêu dùng lựa chọn. Ban đầu người dân Giao Long gửi sản phẩm nõn tôm, bề bề theo chân các mối thu mua hải sản mang về thành phố Nam Định, Hà Nội... Sau dần “hữu xạ tự nhiên hương”, sản phẩm nhanh chóng được người dân ở các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc tin dùng. Từ một vài hộ dân trong xóm làm, tôm, bề bề cũng chỉ dùng phần tàu thuyền của gia đình đánh bắt được nhưng mỗi ngày lương khách hàng một tăng lên nên nhiều hộ bảo nhau cùng làm, lượng nguyên liệu tiêu thụ cũng lớn. Thuyền nhà cung ứng không đủ thì mua thêm của các thuyền khác ở trong và ngoài xã rồi cả các tàu thuyền từ Thanh Hóa, Nghệ An đưa ra.

Từ sự năng động, nhạy bén người bám bờ, người bám biển của người dân Giao Long đã tạo thành chuỗi liên hoàn cung ứng nguyên liệu, sơ chế nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thành thế chân kiềng vững chắc trong khai thác, phát triển kinh tế biển. Để tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân, xã đã yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất. Hiện tại người dân của xã đã được tiếp cận với 5 kênh vay vốn phát triển sản xuất là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng xã Giao Nhân, Quỹ TYM của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số dư hiện tại của 5 kênh vay vốn trên 176,9 tỷ đồng. Đến nay cả xã Giao Long có gần 200 hộ dân làm nghề bóc tôm nõn, bề bề; lượng nguyên liệu tiêu thụ hàng chục tấn mỗi ngày; giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nữ, người quá tuổi lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nõn tôm, bề bề của các cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Nghề sơ chế nõn tôm, bề bề ở Giao Long đang có nhiều lợi thế để phát triển cũng như mở rộng sang sơ chế, chế biến nhiều loại hải sản khác như chả cá thu, chả mực, thu hút và tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. UBND xã Giao Long và người dân làm nghề mong muốn được tiếp cận nguồn vốn, quy trình công nghệ để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; được hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm; hướng tới mô hình làng nghề du lịch biển thu hút khách tham quan, du lịch về trải nghiệm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/giao-long-phat-trien-nghe-che-bien-thuy-san-7b51e90/