Giáo dục đạo đức liêm, chính là gốc để phát triển văn hóa trong giai đoạn mới

Ngày 24-11-2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức 'Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng'. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt đưa ra những chủ trương lớn, quyết sách mới, đột phá về việc phát triển văn hóa được Đảng ta xác định là nền tảng tinh thần của xã hội để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn tới 'đạo đức liêm, chính' của người cán bộ, đảng viên và vai trò của tổ chức đảng trong việc giáo dục đạo đức liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Trong bài viết “Một số vấn đề và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới…”.

Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW ngày 5-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp…”. Chúng ta đều biết, “liêm” và “chính” là hai trong bốn đức tính cốt lõi của con người: cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính ấy là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống văn hóa mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức và là mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bốn đức tính cần có ấy của con người, giống như “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Thực tiễn xây dựng chính Đảng Mác-xít đã chứng minh, Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan và đứng trước nhiều thách thức lớn hơn. Muốn thực hiện có hiệu quả xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng cần phải nâng cao năng lực chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thường xuyên thực hiện đạo đức liêm, chính trong Đảng. V.I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, điều nguy hiểm nhất của một đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước chính là xa rời quần chúng. Vậy, cái gì khiến đảng xa rời quần chúng? Đó chính là tình trạng tha hóa, biến chất ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Trên thực tế, nhiều đảng cầm quyền trên thế giới tự suy vong, tự đánh mất mình khỏi vũ đài chính trị chính là do sự tha hóa, biến chất trong đảng, đảng không còn đủ uy tín trong lòng nhân dân. Đảng chỉ có thể cầm quyền khi vẫn còn đủ uy tín bởi phẩm chất trong sạch, giữ được phẩm chất liêm, chính và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã cảnh báo rất rõ: “Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Thực tế ấy, đã và đang diễn ra với Đảng ta. Bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện đạo đức liêm, chính nghiêm túc thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã giảm sút nghiêm trọng, suy thoái về đạo đức, lối sống, gây nhiều hệ lụy trong Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng bị xử lý kỷ luật hầu hết đều là cán bộ, đảng viên có vai trò chính trong các vụ việc vi phạm. Chỉ riêng thành phần thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu khóa XII đến nay đã có hơn 100 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều người vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự. Đáng chú ý là có trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị, một số ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng do không thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị “rơi vào vòng lao lý”! Qua kết quả nêu trên, cùng với những vụ án lớn nghiêm trọng tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế, đến các vụ việc xảy ra ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua… đã phản ánh rõ tinh thần liêm, chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không còn được giữ vững và thậm chí còn bị tha hóa nghiêm trọng. Đáng tiếc là, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo cơ bản, có hiểu biết pháp luật, nhưng đã không vượt qua được cám dỗ hay nói như một nhà văn nổi tiếng thế giới là “đã bị hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người” dẫn đến làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Trong thời gian dài, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể đã buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

(Còn nữa)

TS. Bùi Thế Đức
Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương;
nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128944/giao-duc-dao-duc-liem-chinh-la-goc-de-phat-trien-van-hoa-trong-giai-doan-moi