Giao dịch chứng khoán sáng 16/12: Thị trường hồi phục bất thành
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến sắc đỏ lan rộng bảng điện tử và chỉ số VN-Index hồi phục bất thành.
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch không mấy tích cực khi VN-Index đảo chiều giảm sau 3 tuần liên tiếp khởi sắc và giao dịch trong vùng giá 1.260 – 1.270 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp là điều khiến thị trường thấy “không an tâm”. Trong khi đó, về xu hướng kỹ thuật, chỉ báo RSI và MACD dần cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên, tuy nhiên không có dấu hiệu của phân kỳ âm nên phần nào giúp giảm thiểu rủi ro rung lắc trong biên độ lớn.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS), với việc thị trường bước vào thời điểm cuối năm, dự báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng dần hé lộ, sự phân hóa có thể diễn ra rõ nét hơn những ngày gần đây. Xu thế giằng co được dự báo sẽ lại chiếm ưu thế trong tuần này, với khả năng cao theo chiều giảm nhẹ về gần ngưỡng hỗ trợ ở 1.250 điểm.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng 16/12, sau 4 phiên giảm nhẹ, thị trường đã hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng với trạng thái thị trường chung phân hóa đã khiến VN-Index khó có động lực để tăng mạnh. Chỉ số này chỉ lình xình trên mốc tham chiếu sau gần 90 phút mở cửa.
Bên cạnh thị trường chung phân hóa, nhóm cổ phiếu bluechip cũng như các nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản cũng đều lình xình giằng co nhẹ trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường tại thời điểm này chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong đó, dòng tiền vẫn tập trung tìm kiếm cơ hội ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình, trên sàn HOSE, VIX hiện đang tăng khoảng 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 7,8 triệu đơn vị; trong khi trên sàn HNX, các mã MST và DST đang làm tâm điểm đáng chú ý với DST sớm khoe sắc tím, còn MST thanh khoản đột biến 5 triệu đơn vị và giá đang tăng khoảng 6%...
Trái lại, cổ phiếu VCA sau phiên thoát sàn cuối tuần trước đã nhanh chóng giảm kịch sàn trong phiên sáng nay do áp lực bán tăng mạnh. Hiện VCA đang giảm 6,7% xuống mức giá sàn 15.300 đồng/CP.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến nhiều mã lớn nhỏ đảo chiều điều chỉnh và chỉ số VN-Index cũng đã trở lại giảm nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 102 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index giảm 0,91 điểm (-0,07%) xuống 1.261,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 220,9 triệu đơn vị, giá trị gần 5.502 tỷ đồng, tăng 12,6% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 56,8 triệu đơn vị, giá trị 1.567,66 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên giảm 2,5 điểm khi có tới 16 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, với thông tin ngày 24/12 tới đây chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%, cổ phiếu BID đã trở thành điểm sáng của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như nhóm VN30 khi chốt phiên tăng 1,2%, đã đóng góp lớn nhất cho chỉ số chung với hơn 0,84 điểm. Các mã còn lại là VHM, VNM, SSI, FPT, CTG, PLX chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Ngược lại, MWG giảm sâu nhất là 1,3%, tiếp theo là BVH giảm 1,1%, còn lại cũng chỉ giảm quanh mức 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu VCA vẫn không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo do áp lực bán mạnh. Chốt phiên, VCA giảm 6,7% xuống mức giá sàn 15.300 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép đều biến động nhẹ. Trong nhóm ngân hàng, ngoài điểm sáng nhất là BID, một số mã khác như CTG, LPB may mắn có sắc xanh nhưng cũng chỉ tăng 0,1%.
Trong khi đó, ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu ở top vừa và nhỏ là VIX vẫn là tâm điểm đáng chú ý. Chốt phiên, VIX vẫn tăng 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã khác như HCM, SSI nhích nhẹ chưa tới 0,5%, còn lại phần lớn điều chỉnh nhẹ.
Nhóm cổ phiếu thép kém tích cực hơn với HPG và HSG giảm nhẹ quanh mức 0,5%, NKG giảm 1,6%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh những mà bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, đáng kể nhất là SIP dù đã hạ độ cao nhưng vẫn tăng 3%, chốt phiên tại mức giá 84.900 đồng/CP và khớp 1,5%, các mã khác như SZC, KBC, IDC đều tăng nhẹ…, còn lại không mấy tích cực như DIG nới rộng biên độ giảm do áp lực bán gia tăng, chốt phiên đã giảm 3,4% xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 19.850 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua VIX, đạt xấp xỉ 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng lan rộng hơn trên bảng điện tử, đặc biệt là sức ép gia tăng ở nhóm HNX30, cũng đã khiến HNX-Index trở lại xu hướng giảm sau hơn 2/3 thời gian phiên sáng hồi nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index giảm 0,26 điểm (0,11%) xuống 226,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,9 triệu đơn vị, giá trị 261,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Cặp đôi vừa và nhỏ MST và DST vẫn là tâm điểm của thị trường. Chốt phiên, MST tăng 4,5% lên mức 7.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 5,87 triệu đơn vị, trong khi DST tăng kịch trần lên mức 4.500 đồng/CP và khớp 0,84 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần 136.000 đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 phần lớn điều chỉnh giảm dù mức giảm không quá lớn như CEO, MBS, PVS, HUT, TNG...
Ngoài MST, trên sàn HNX chỉ còn 2 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị là CEO và SHS, lần lượt khớp 1,53 triệu đơn vị và 1,44 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 0,7% và đứng giá tham chiếu.
Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều thành công dù biên độ tăng khá hẹp.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%) lên 92,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 14,3triệu đơn vị, giá trị 200,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 50,35 tỷ đồng.