Giành đất với... rừng!

Người về ngày một đông, đất không chịu nở. Vậy là người đua nhau giành đất với rừng, chặt thông cho bằng hết. Mấy vụ cướp rừng "kinh hoàng" gần đây chỉ là giai đoạn "hấp hối" của một dự án sắp bị xóa sổ.

Sau mỗi đêm, lại thêm những căn nhà như thế này mọc lên giữa rừng thông. CôngThương - Đó là thảm trạng của rừng thông phòng hộ dọc quốc lộ 14 thuộc tỉnh Đắc Lắc - một dự án có được nhờ việc chặt gỗ rừng tự nhiên đem bán, cùng với mồ hôi, máu của các thế hệ công nhân trồng rừng, giữ rừng suốt mấy chục năm qua. Vài chục cây số trên quốc lộ 14 qua các huyện Krông Búk, Ea H'leo như con rắn khổng lồ bò giữa rừng thông xanh. Ngồi trên xe qua đây, ngoài cảm giác mát mẻ, hít thở không khí trong lành, còn được tha hồ ngắm cảnh đẹp. Bây giờ hai bên đường đã xuất hiện nhiều nhà cửa, quán càphê, đêm đêm đèn màu nhấp nháy như phố. Đó là mặt tiền quốc lộ, nơi người ta còn dè dặt trong việc chặt phá rừng thông, chứ bên trong thì... phố thật. 36 hộ dựng nhà và lều quán, lấn chiếm hơn 1.000m2 đất lâm nghiệp mà đoàn kiểm tra số 04 của huyện Krông Búk báo cáo hồi đầu tháng chỉ là con số còn "nóng" tính thời sự. Thực tế, rừng thông phòng hộ quốc lộ 14 bị lấn chiếm trong những năm qua lên đến cả nghìn hécta, nhà xây trái phép cũng phải kể bằng con số hàng nghìn - từ nhà tạm bợ vài triệu đồng, đến biệt thự kiên cố trị giá bạc tỉ. Một thống kê đã cũ (có từ năm 2002) cho biết: Có 722 căn nhà trên đất rừng thông, tăng 383 căn so với năm 1999, bình quân mỗi năm mọc thêm 128 căn nhà. Về tốc độ phá rừng, chỉ tính đến năm 1999 đã có 1.450ha bị cạo trọc, bình quân mỗi năm mất 107,8ha và diện tích này hầu hết đã biến thành vườn càphê, cây ăn quả. Cũng chỉ tính đến thời điểm đó, mật độ cây trong rừng đã giảm khoảng một nửa so với lúc trồng. Đó là chuyện 7 năm về trước, chứ bây giờ chẳng ai buồn kiểm đếm. Cả làng đi... cướp rừng Khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu số phận kỳ lạ của rừng thông, cũng là lúc nó bị "thảm sát" với quy mô lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, có thể gọi đó là những vụ cướp rừng. Đêm 5.5, tại km 64 quốc lộ 14 (thuộc địa phận xã Cư Né) có 80 cây thông trên 30 năm tuổi, cao gần 20 mét, đường kính gốc khoảng 40 centimét bị lâm tặc hạ xuống, băm nhỏ. Thấy động, mấy bóng ma nhanh chóng lẩn vào rừng, tổ kiểm tra của huyện chỉ kịp... đếm được 7 tên để về báo cáo. Đêm hôm sau, hàng chục tên lại xuất hiện. Kiểm lâm chưa kịp đưa họ về trụ sở xã Cư Né để giải quyết thì 30 bóng đen khác, chẳng biết từ hướng nào đến vây thành một vòng tròn. Nhìn rìu rựa, gậy gộc lăm le, lực lượng chức năng chỉ còn biết... thả người. Đến 0 giờ 57 phút ngày 12.5, đoàn liên ngành của huyện lại bắt gặp 10 thanh niên hành sự giữa rừng, chưa kịp nói gì thì khoảng 100 người khác kéo đến thị uy. Đích thân ông Y Biê Niê - Chủ tịch UBND huyện - phải đến vận động, giải thích, đám đông kia mới chịu về ngủ. Chỉ mấy vụ này thôi, ngoài 160 cây thông lớn bị chặt đổ hoàn toàn, hơn 400 cây khác bị ken gốc. Vài ngày sau, đám thông ken gốc cũng thành... "Từ Hải" - tức là chết đứng giữa trời. Bên Pơng Drang lại dở khóc, dở cười theo kiểu khác. Ngày 20.5, lúc mặt trời lên bằng con sào, một cảnh tượng chưa từng có đã diễn ra tại km 48, đoạn từ trụ sở làm việc của Huyện ủy Krông Búk đến hết các đồi Cư Léo, Cư K'ty. Khoảng 60 - 70 người mang theo máy cày có gắn giàn bung đất, dao rựa, cuốc xẻng đến phát dọn rừng thông rồi cắm cọc, phân lô, chia đất. Lực lượng chức năng có mặt, họ về, nhưng số phương tiện kia vẫn cất giấu đâu đó trong rừng. Sáng hôm sau, hơn 70 người lại đến lấy ra, tiếp tục... chia đất. Hỏi ra mới biết, ai đó nói rằng đến ngày 20.5, chỉ cần đem sổ hộ khẩu ra khu vực nói trên là được huyện cấp đất. Vì vậy, họ ra trước xí chỗ. "Phá rừng thông là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng cả làng đi chia chác đất rừng như vậy thì bây giờ mới thấy" - Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Mỹ nói. "Phố" giữa rừng thông phòng hộ quốc lộ 14. Rừng xanh, máu đỏ Để hình dung số phận oan nghiệt của cánh rừng này, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian tìm kiếm, hẹn hò, gõ cửa các cơ quan chức năng ở Đắc Lắc. Không phải người ta gây khó dễ, mà vì phần lớn hồ sơ khai sinh, khai tử, chuyển giao của nó đã thất lạc qua nhiều đời lãnh đạo. Dẫu vậy, vẫn có thể tóm lược như sau: Trong thời kỳ 1980 - 1986, 5 lâm trường thuộc Liên hiệp Nông - Lâm - Công nghiệp Ea Súp là Buôn Hồ, Cư Né, Cư Pơng, Thuần Mẫn và Chư Phả với tiềm lực tài chính dồi dào mà chủ yếu là tiền bán gỗ rừng tự nhiên, đã trồng được 2.047ha rừng thông ba lá dọc quốc lộ 14. Trong quy hoạch của tỉnh Đắc Lắc, đó là rừng phòng hộ cho lưu vực Ea Súp ở phía tây và lưu vực sông Ba ở phía đông, đồng thời có giá trị đặc biệt về cảnh quan, môi trường. Nhưng khi các loại cây công nghiệp "lên ngôi", đất ở lên giá thì rừng thông này bắt đầu bị chặt phá, lấn chiếm ồ ạt. Năm 1995, theo yêu cầu của các lâm trường, Liên hiệp Ea Súp đã dàn quân giải tỏa nhà ở, chặt bỏ cây trồng trái phép theo phương châm "đất của rừng phải trả lại cho rừng". Và trong "cuộc chiến" dai dẳng đó, không ít cán bộ, công nhân lâm nghiệp đã đổ máu, có người mang thương tật suốt đời. Rồi Liên hiệp Ea Súp giải thể, các lâm trường trực tiếp quản lý rừng thông trong sự bất lực, mệt mỏi. Một thời gian sau, nó được giao cho 7 kỹ sư, 5 cán bộ trung cấp và 7 công nhân lâm nghiệp dưới tên gọi Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ quốc lộ 14. Thành tích của ban này từ năm 1999 đến 2002 là phát hiện 424 vụ phá rừng, song cơ quan chức năng cấp huyện chỉ xử lý được 20 vụ, cấp xã lại càng xử ít hơn. Và sau hàng chục trận bị lâm tặc đập phá trụ sở, hành hung cán bộ, ban này cũng... giải thể nốt. 757ha rừng thông cuối cùng được giao về cho các huyện Kông Búk, Ea H'leo. Trước khi "ấn" rừng vào tay huyện, Ban quản lý dự án còn khẳng định: "Có thể coi đây là bước đi đầu tiên nhằm mục tiêu bảo vệ rừng trồng, lành mạnh hóa việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp". Song, thực tế không diễn ra như vậy. "Lúc nhận bàn giao thì còn 432ha, bây giờ còn bao nhiêu thì huyện chưa thống kê" - ông Mỹ cho biết. Mà thống kê sao được những cánh rừng da beo xen lẫn nhà cửa, vườn tược bạt ngàn, họa có phương án... đếm cây. Rừng đang hấp hối Chặt bỏ hàng nghìn hécta cây trồng đang mơn mởn, đập phá hàng nghìn căn nhà trên đất rừng thông bây giờ là không dễ, còn nếu làm ngược lại nghĩa là thực thi luật pháp không nghiêm. Song chuyện đó chưa bàn được. Chỉ lo giữ mấy cây thông còn lại, lực lượng chức năng Krông Búk cũng đã "nhức mỏi" lắm rồi. Đoạn quốc lộ 14 từ Pơng Drang đến Cư Né trước đây không có tên, bây giờ được gọi là "rừng Đỏ", bởi hai bên đường có hàng nghìn cây thông bị "cắt cổ", chết dần, lá đỏ quạch. Ông tài xế xe khách thông báo vừa qua đoạn rừng Đỏ, cô sinh viên thực tập môn địa danh học nói với tôi: "Chắc vài tuần nữa là người ta dọn xong mấy cây thông chết, nhưng cái tên rừng Đỏ sẽ tồn tại vĩnh viễn". Vậy thì mỗi lần giải thích cái tên rừng Đỏ, khu rừng này sẽ được nhắc nhớ trong ký ức chúng ta, hoặc trong trí tưởng tượng của con cháu chúng ta. Lại có nơi, người ta "giết" thông theo kiểu khác. Bên dưới rừng thông được trồng rất nhiều càphê, caosu, cây ăn quả. Những cây này lớn lên một chút, họ chặt hết thông trong một đêm, phi tang sạch sẽ. Cơ quan chức năng hỏi, họ bảo không biết rừng thông, chỉ biết đất này khai khẩn đã lâu, đã thành... vườn rồi. Ngoài những chuyện đã "muôn năm cũ", nạn cướp rừng giờ có thêm một lý do rất thời sự: Đón đầu quy hoạch. Cuối tháng 5 vừa rồi, huyện cũ được chia tách để thành lập thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk mới, trung tâm huyện mới lại đặt ngay... rừng thông. Vậy là người ta đua nhau chặt cây, xây nhà chờ đền bù, nếu không bị giải tỏa thì cũng được đất. Lực lượng chức năng lại được chỉ đạo tuần tra, kiểm soát quyết liệt, ngày cũng như đêm. Rồi các cuộc họp, báo cáo nhanh, chỉ đạo khẩn liên tiếp ban hành, chạy hỏa tốc... Quyết tâm của huyện không khỏi làm tôi nhớ đến phương châm "trả đất cho rừng" từng được theo đuổi, cũng không kém quyết liệt suốt mấy chục năm qua. Theo Lao Động Sau mỗi đêm, lại thêm những căn nhà như thế này mọc lên giữa rừng thông.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/phong-su/gianh-dat-voi-rung/32/0/16948.star