Gian nan xử lý ngân hàng yếu kém

Các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc đến nay chưa được xử lý dứt điểm, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.

Nợ xấu tăng, nguy cơ rủi ro cao

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank). Đồng thời, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại nhà băng này theo quy định. SCB được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng lên tiếng việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.

Mặc dù vậy, phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột vì tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm, nợ xấu tăng cao.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán tại NHNN năm 2023 cho thấy, phương án xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục. Dự kiến tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 4 đơn vị (CBBank, OceanBank, GP Bank và DongAbank) là 168.000 tỷ đồng.

Về "số phận" của các ngân hàng này, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ: đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc. 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Đồng thời, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 3,56%, tăng vọt so với con số 2% hồi đầu năm. Còn tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn lên đến 6,16%. Một điểm đáng chú ý là số liệu lần này cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt (SCB, OceanBank, GPBank, CB, DongABank). Việc xử lý ngân hàng yếu kém chậm có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các TCTD.

Phải có chính sách đột phá xử lý các ngân hàng yếu kém

Xử lý các ngân hàng yếu kém tưởng chừng như đã có bước tiến lớn khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo; còn DongABank được HDBank và GPBank được VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ.

Dù vậy, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhận xét, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình tái cơ cấu TCTD kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc khó khăn vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Theo các chuyên gia, ngoài xử lý các ngân hàng yếu kém, cần phải có những bước đột phá trong chính sách, nhất là đẩy nhanh việc tăng cường nguồn lực cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để phát huy tích cực hơn vai trò hỗ trợ cho nền kinh tế cũng như củng cố chất lượng các ngân hàng nhỏ và vừa.

Trước đó, lãnh đạo của cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều nhiều lần kiến nghị Chính phủ được nhanh chóng tăng vốn bằng nguồn lực lợi nhuận giữ lại. Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua đã làm nổi bật vai trò hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng vốn quá chậm làm khả năng hỗ trợ kinh tế của các tổ chức này suy giảm.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn hiện nay là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém và tập trung giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, muốn xử lý nợ xấu, phải mở cơ chế để thu hút nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài và kích hoạt thị trường mua bán nợ phát triển. Tổng giám đốc một ngân hàng nêu quan điểm, Việt Nam nên khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, bởi độ mở thị trường tài chính ngày càng lớn, trong khi nguồn lực tài chính tích lũy của nền kinh tế chưa cao.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm, có thể nới room ngoại qua đó thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh...

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gian-nan-xu-ly-ngan-hang-yeu-kem.html