Gian nan khi xã, thôn thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn
Khi xã, thôn thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nghĩa là đời sống của người dân, kinh tế - xã hội của địa phương đang dần cải thiện, tuy nhiên song hành với những điều 'được' thì 'mất' cũng không ít. Bởi nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đang bị ảnh hưởng, trong đó có hàng nghìn học sinh đã không còn chính sách hỗ trợ khi đến trường.
Khi xã, thôn thoát khỏi vùng ĐBKK
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, II, I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020, toàn vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa có 225 xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã), trong đó: 100 xã khu vực III, 83 xã khu vực II và 42 xã khu vực I; 867 thôn ĐBKK (trong đó: 686 thôn thuộc xã khu vực III, 181 thôn thuộc xã khu vực II) thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã miền núi.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định số 861) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK, vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định số 612), Thanh Hóa là tỉnh có số xã khu vực III và thôn ĐBKK giảm rất nhiều so với giai đoạn 2016-2020.
Theo danh sách đã được phê duyệt tại Quyết định số 861 và Quyết định số 612, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 174 xã, thị trấn, trong đó: 21 xã khu vực III (hiện nay còn 20 xã), 24 xã khu vực II, 129 xã khu vực I; 318 thôn ĐBKK trong đó có 132 thôn thuộc xã khu vực III, 84 thôn thuộc xã khu vực II, 101 thôn thuộc xã khu vực I, 1 thôn thuộc xã có thôn vùng DTTS&MN, trên địa bàn 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn miền núi.
Giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa là tỉnh có số huyện, xã vùng DTTS&MN, xã khu vực III, khu vực II và thôn ĐBKK giảm rất nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Từ đó liên quan đến việc người DTTS&MN trước đây thuộc vùng khó khăn và ĐBKK, nay ra khỏi vùng khó khăn và ĐBKK sẽ không tiếp tục được hưởng các chính sách, đặc biệt là những chính sách về an sinh xã hội dẫn đến khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.
Hàng nghìn học sinh Không còn được hỗ trợ
Tại huyện vùng cao Quan Sơn, thực hiện Quyết định số 861, hiện nay nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chế độ, chính sách, hỗ trợ trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, huyện Quan Sơn chỉ còn 2 xã ĐBKK là Na Mèo, Sơn Thủy. Toàn huyện có 40 trường mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, trường mầm non có 25 điểm lẻ, trường tiểu học có 23 điểm lẻ. Trước đây, toàn huyện có 10 trường PTDT bán trú THCS, đến nay chỉ còn 7 trường PTDT bán trú THCS, 3 trường PTDT bán trú THCS đã chuyển đổi xuống trường THCS là THCS Trung Hạ, Tam Lư, Sơn Hà. Trước khi có Quyết định số 861 và Quyết định số 612, toàn huyện Quan Sơn có 2.590 học sinh (không tính trường THPT do Phòng GD&ĐT không quản lý) thì hiện nay chỉ còn 726 học sinh đang được hưởng chế độ, hỗ trợ từ Nghị định 116; có 937 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang được hưởng chính sách đặc thù thì nay chỉ còn 104 người được hưởng.
Quy mô trường lớp nhỏ lẻ, nhiều điểm trường. Khoảng cách địa lý từ xã này sang xã kia, từ bản này đến bản khác cách xa, bị sông suối chia cắt; đi lại khó khăn nên việc dồn khu, dồn lớp khó thực hiện, chất lượng lớp ghép và chất lượng học sinh ở khu lẻ còn thấp. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, một số trường học còn thiếu các phòng chức năng, nhà công vụ. Cùng với đó, việc một số chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh đang bị cắt giảm dẫn đến chất lượng giáo dục huyện Quan Sơn cũng bị ảnh hưởng. Ngành GD&ĐT huyện Quan Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất trường học. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc thù của từng huyện để giao số lớp, số biên chế phù hợp; đồng thời có cơ chế, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ở các xã đã thoát khỏi xã ĐBKK.
Không chỉ riêng huyện Quan Sơn, tại các địa phương thuộc vùng DTTS&MN, nhiều chính sách bị tác động khi Quyết định số 861 và Quyết định số 612 được ban hành, trong đó chính sách giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, đó là chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018) nay là Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (số lượng đối tượng bị tác động ảnh hưởng là 39.125 người); chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ (số lượng đối tượng bị tác động ảnh hưởng là 12.370 đối tượng); chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn ĐBKK theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.
Riêng đối với Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, năm học 2019-2020, Thanh Hóa có 21.706 học sinh thuộc 15 huyện, thị xã được hỗ trợ chính sách từ nghị định nhưng đến học kỳ I năm học 2023-2024, toàn tỉnh chỉ còn 9.651 học sinh thuộc 11 huyện, thị xã được hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền ở bán trú. Năm học 2022-2023, Thanh Hóa có 27 trường PTDT bán trú THCS, đến năm học 2023-2024 toàn tỉnh còn 22 trường PTDT bán trú THCS, 5 trường phải chuyển đổi vì không đủ tỷ lệ học sinh bán trú.
Thực tế này đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh, khi các em không thuộc hộ nghèo và ra khỏi danh sách các xã ĐBKK. Học sinh không được hưởng chính sách dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp rất khó khăn, tăng nguy cơ học sinh bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt là đối với những học sinh nhà quá xa trường, không thể đi về trong ngày, cha mẹ học sinh không có điều kiện đưa đón con hàng ngày. Nhất là những học sinh người DTTS sinh sống tại những thôn, bản cách xa trường, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa, gió rét. Các em phải tự lo chỗ ở trọ, không có người chăm sóc, quản lý, tiềm ẩn những rủi ro trong cuộc sống tự lập hàng ngày. Các nhà trường gặp khó khăn trong việc theo dõi, quản lý những đối tượng học sinh trên. Nhiều học sinh người DTTS gặp khó khăn khi không được hưởng chính sách giảm học phí, các trường sẽ khó hoặc không thể thu được tiền học phí của những học sinh người DTTS gặp nhiều khó khăn (nhưng không phải hộ nghèo, cận nghèo).