Giảm thuế, khoan sức doanh nghiệp

Đề xuất giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ của Bộ Tài chính đã được đưa vào dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu được xem xét, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Cụ thể, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người.

Nhằm tránh trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN.

Đề xuất này của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia và DN, cho rằng rất phù hợp và cần thiết, giúp DN nhỏ và siêu nhỏ có thêm sức cạnh tranh, phát triển. Tuy nhiên, cần có thêm những ưu đãi cho DN lớn, như khuyến khích DN vào chuỗi hoặc có những quy định nếu DN ở quy mô nào hỗ trợ ra sao.

Thực tế, đây là chính sách đúng đắn giúp DN có động lực làm ăn và có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư. Chính sách giảm thuế cũng sẽ giúp DN minh bạch hơn trong báo cáo lỗ, lãi và khuyến khích DN nhỏ, siêu nhỏ minh bạch hóa sổ sách. Trong dự thảo của Bộ Tài chính cũng có nội dung nhắc đến việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Sau thời gian miễn thuế này, các DN thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế tiếp tục được hưởng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Đề xuất này đang nhận được nhiều sự quan tâm, cho rằng thay vì chỉ miễn thuế 2 năm, nên tăng lên 5 năm sẽ khích lệ nhiều hơn.

Tính đến nay cả nước có hơn 700.000 DN đang hoạt động, tức phải có thêm gần 300.000 DN nữa mới đảm bảo mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Con số này sẽ không quá thách thức nếu có chính sách khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN, vì hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng chục tỷ đồng. Nhưng thực tế sau mấy năm hô hào, đến nay vẫn chưa có thay đổi nào thực sự đáng kể về chính sách khiến hộ kinh doanh muốn chuyển lên DN để có cơ hội phát triển tốt hơn.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/giam-thue-khoan-suc-doanh-nghiep-70808.html