Giảm nghèo ở vùng đá xám

Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng nhờ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống bằng các hình thức phát triển kinh tế hàng hóa, đến nay cuộc sống của người dân ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã có những bước khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo cũng theo hướng giảm dần qua các năm.

Để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, huyện Mèo Vạc đã triển khai lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển HTX...

Tạo việc làm và nâng thu nhập nhờ HTX

Chính vì vậy, chỉ trong năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 13.000 lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động và làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh là gần 8.900 người. Toàn huyện có hơn 1.000 hộ thoát nghèo, tương đương giảm 6,5%, vượt 0,5% kế hoạch.

Đặc biệt, nhiều hộ dân từ chỗ khó khăn, nghèo khó nhiều năm liền đã làm chủ được quá trình sản xuất và hỗ trợ nhiều hộ có cùng hoàn cảnh vươn lên thoát nghèo.

Tiêu biểu như anh Nguyễn Gia Hình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Dương (thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi), từ phong trào phát triển kinh tế tập thể, tái cơ cấu nông nghiệp hỗ trợ người dân giảm nghèo, anh đã được tỉnh và huyện hỗ trợ, khuyến khích tham gia các lớp đào tạo nuôi trâu bò, nuôi ong lấy mật hàng hóa và tiếp cận các chính sách ưu đãi. Chính vì vậy, anh đã thành lập HTX Đại Dương, xây dựng phương án sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung.

Phương án sản xuất của HTX là tập trung vào việc chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị, HTX lo dịch vụ đầu vào, đồng thời bao tiêu đầu ra cho các hộ thành viên và các hộ dân cùng tham gia trên địa bàn. Dịch vụ đầu vào được HTX đầu tư như: Con giống, kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ. Các sản phẩm nổi bật của HTX phải kể đến: thịt bò khô cao nguyên đá, giò bò, rượu ngô truyền thống… Song song chăn nuôi trâu bò, HTX còn đầu tư nuôi 200 đàn ong, thu về 1.000 lít mật mỗi năm.

Với giá bán bình quân hiện nay từ 650 - 700 nghìn đồng/lít, có thời điểm tới 900 nghìn đồng/lít, nghề nuôi ong khai thác phấn hoa bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, hộ liên kết, từ đó tạo tiền đề đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Mặc dù nền kinh tế thị trường còn những khó khăn nhất định, nhưng HTX vẫn luôn duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho 7 thành viên và một số lao động địa phương, với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các thành viên còn thu được lợi nhuận tùy vào phần vốn góp nên cuộc sống cũng ổn định hơn.

Cũng là mô hình kinh tế hiệu quả khi tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng) đã đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính: chế biến, chưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống.

Nuôi ong được cho là phù hợp với điều kiện tự nhiên và nâng cao thu nhập cho người dân Mèo Vạc.

Nuôi ong được cho là phù hợp với điều kiện tự nhiên và nâng cao thu nhập cho người dân Mèo Vạc.

Đến nay, HTX đã đưa ra thị trường những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có uy tín và chất lượng, nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX. Hiện, doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và đóng bảo hiểm xã hội cho 12 lao động thường xuyên, 24 thành viên. Đồng thời, HTX giải quyết việc làm cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Quy hoạch vườn tạp

Không chỉ phát triển chăn nuôi trâu bò, mật ong, huyện Mèo Vạc còn nhận thấy hầu hết người dân đều có vườn nhưng thường để không hoặc chưa biết cách tận dụng thế mạnh của vườn nhà để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, một trong những chính sách giảm nghèo của huyện là triển khai chương trình cải tạo vườn tạp ở các xã.

Huyện đã hỗ trợ người dân cải tạo vườn, chuyển từ những cây trồng hiệu quả thấp như ngô, sắn sang trồng rau màu, cây ăn quả hoặc kết hợp trồng ngô với trồng rau màu, đầu tư chuồng trại để nuôi vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo đã được hướng dẫn cách quy hoạch lại vườn một cách thích hợp để trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Già Mí Của (thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng) đã được hỗ trợ cải tạo vườn chuyển sang xây mới chuồng gà, hố gom ủ phân, mở rộng quy mô chăn nuôi. Bước đầu, thu nhập của gia đình ông đã tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/năm so với trước khi thực hiện cải tạo vườn tạp.

Bà Giàng Thị Thướn (thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi) trước chỉ trồng ngô, nay đã cải tạo vườn hơn 1 ha sang trồng xen kẽ các loại rau xanh, nhờ đó thu nhập tăng lên 4-5 lần.

Theo thống kê, trong hai năm 2021 - 2022, huyện Mèo Vạc có 260 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 204 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả cho thấy, đối với hộ được thụ hưởng chính sách đã cải tạo tổng diện tích trên 1.265.000m2, kinh tế nhiều hộ gia đình đã ổn định, không còn cảnh thiếu ăn, lo chạy gạo từng bữa.

Mô hình hỗ trợ cải tạo vườn tạp đang tạo động lực để người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, thậm chí làm giàu thêm đối với hộ khá mà còn tạo tư liệu sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đối với những hộ có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn của mình, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đánh giá, trước đây, người dân Mèo Vạc còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên mô hình cải tạo vườn tạp đã từng bước thay đổi tư duy của người dân, chủ động trong tạo việc làm và thu nhập. Đây cũng là điều kiện quan trọng để huyện phát triển các mô hình liên kết hàng hóa, các chuỗi giá trị đặc trưng thông qua HTX, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo nghèo bền vững.

Phủ màu xanh lên đá xám

Từ một vùng đất được mệnh danh là vùng đá xám u ám nhưng nhờ phát triển kinh tế tập thể, cải tạo vườn tạp hiệu quả, đến nay Mèo Vạc đã thay da đổi thịt.

Sự đồng lòng của người dân và các cấp quản lý đã dần dần thay màu xám của đá thành những màu xanh của ruộng vườn, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa bền vững. Từ đó, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Hồng Mí Sinh cho biết Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Là huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Mèo Vạc đã tận dụng các chính sách này để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh tự nhiên.

Chính vì vậy, mà ngoài những mô hình kinh tế hàng hóa, huyện đã phát triển được những sản phẩm OCOP. Đến nay, Mèo Vạc đã có 15 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Tiêu biểu như: 4 sản phẩm mật ong bạc hà của 2 chủ thể là HTX xã Tuấn Dũng và HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và hỗ trợ giảm nghèo cho người dân.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục phát huy hiệu các nguồn kinh phí của Chương trình giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ người dân, các HTX và doanh nghiệp mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, từ đó phấn đấu duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6%/năm trở lên.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/giam-ngheo-o-vung-da-xam-1095272.html