Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2023: Khí nhạc đã có sự khởi sắc

Nhận xét về Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2023 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá, mảng thanh nhạc và khí nhạc đã tương đối cân bằng. Trước kia, các tác giả chủ yếu tập trung sáng tác cho ca khúc là nhiều. Nhưng năm nay, mảng khí nhạc đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các tác giả trẻ và điều đó làm cho mảng âm nhạc này thêm sôi động.

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 và tổng kết giải thưởng âm nhạc năm 2023.

Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận được 275 tác phẩm của 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự.

Trong đó, thể loại thanh nhạc có 209 tác phẩm, ca khúc thiếu nhi có 23 tác phẩm, giao hưởng 3 tác phẩm, thính phòng (độc tấu, tứ tấu, hòa tấu nhạc cụ) có 14 tác phẩm, hợp xướng và acapella có 6 tác phẩm, ca khúc nghệ thuật có 4 tác phẩm, chương trình biểu diễn có 7 chương trình, công trình lý luận có 9 công trình, gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải A cho các tác giả.

Thay mặt Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, PGS. TS Đỗ Hồng Quân đánh giá, trái ngược với sự ít mặn mà của các nhạc sĩ ở lĩnh vực khí nhạc (giao hưởng, thính phòng, hòa tấu, hợp xướng, romance, chương trình DVD), năm nay, lĩnh vực này nhận được nhiều hơn các tác phẩm gửi tới xét giải. Trong đó đã xuất hiện các gương mặt trẻ với các tác phẩm có ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin.

Tuy nhiên, có một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm. Có tác phẩm thiếu tính khí nhạc, có tính tương phản, nhưng hiệu quả còn thấp, âm hình trì tục, đơn giản.

Do vậy, ở Giao hưởng đã không tìm thấy giải A, giải B. 2 giải C được trao cho "Thành phố xanh bên dòng Hương Giang" (Giao hưởng thơ), tác giả Lê Quang Vũ và "Huyền diệu biển" (Nhạc kịch), tác giả Ngô Quốc Tính cùng 1 giải Khuyến khích.

Ở Thính phòng (Độc tấu, tứ tấu, hòa tấu nhạc cụ), không tìm thấy giải A. Ban tổ chức đã trao 3 giải B cho "Về quê mẹ" (độc tấu đàn nguyệt cùng dàn nhạc dân tộc), tác giả Nguyễn Thúy My, "Thương nhớ dòng Hương", tác giả Lê Văn Đình và "Dòng sông quê hương" , tác giả Quang Thanh Giang cùng 2 giải C và 4 giải Khuyến khích.

Sáng tác mới được dàn dựng, biểu diễn tại lễ tổng kết

Ở Hợp xướng, 1 giải A đã thuộc về "Dáng đứng ấp Bắc", tác giả Chung Hữu Phú cùng 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích.

Về thể loại Thanh nhạc, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, số lượng bài năm nay nhiều thể hiện hoạt động chuyên môn rất tích cực, tác phẩm ở nhiều đề tài khác nhau, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, các chiến sĩ nơi hải đảo. Tuy nhiên lĩnh vực ca khúc thiếu nhi chưa có nhiều tác phẩm cần quan tâm hơn nữa.

Ngôn ngữ âm nhạc có nhiều ý tưởng sáng tạo, các nhạc sĩ có nhiều đầu tư cho tác phẩm của mình về phối khí, ca sĩ rất công phu, có hiệu quả cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như đặt vấn đề về chủ đề và nội dung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhạc sĩ đi theo lối sáng tạo cũ, chưa có tìm tòi mới trong sáng tạo nghệ thuật, một số tác phẩm phổ thơ chạy theo lời, hát thơ chưa có sự cô đọng, toát lên ý tưởng tư duy và ngôn ngữ âm nhạc của mình.

Do vậy, 3 giải A ở Ca khúc đã được trao cho "Lửa tình hoang sơ", sáng tác: Sỹ Thắng, "Gọi gió", sáng tác: Hồ Trọng Tuấn, "Thênh thang trên con đường mới", sáng tác: Phạm Anh Thông cùng 14 giải B, 17 giải C và 17 giải Khuyến khích.

1 giải A ở Ca khúc thiếu nhi được trao cho "Cánh én nhỏ bay tới đảo xa", sáng tác: Văn Thành Nho cùng 3 giải B và 4 giải C.

Về công trình Lý luận phê bình, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, số lượng công trình, tác phẩm dự thi còn ít hơn so với năm trước. Tuy nhiên có nhiều sách nghiên cứu, biên soạn và sưu tầm. Các bài báo chủ yếu là phê bình âm nhạc, không có bài báo về nghiên cứu lý luận. Chất lượng công trình tác phẩm dự thi đảm bảo tiêu chí xếp hạng, nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu, phê bình âm nhạc, giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống, chân dung tác giả, tác phẩm…

Do vậy, ở Sách chuyên khảo và nghiên cứu đã không tìm thấy giải A. 2 giải B được trao cho cuốn sách "Hướng tới đào tạo Piano chuyên nghiệp ở Việt Nam", tác giả PGS.TS La Thương và cuốn sách "Hòa âm trong sáng tác âm nhạc nửa đầu thế kỷ XX, tác giả: PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh cùng 1 giải C và 1 giải Khuyến khích.

Công bố thành lập Trung tâm Âm nhạc trẻ và Ban Đối ngoại Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Ở Sách biên soạn và sưu tầm đã không tìm thấy giải A. 1 giải B được trao cho cuốn sách "Thẩm mỹ học Âm nhạc từ phương Đông đến phương Tây" , tác giả: PGS.TS KHNT Vũ Tự Lân cùng 1 giải C.

Ở Báo chí đã không tìm thấy giải A.1 giải B được trao cho tác giả Nguyễn Thị Minh Châu (Hà Nội) với 14 bài báo viết về âm nhạc cùng 1 giải C và 1 giải Khuyến khích.

Năm nay, Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc được trao cho 5 chương trình: DVD chương trình đêm nhạc Đỗ Nhuận “Âm thanh cuộc đời” - Lê Thụy (TP. Hồ Chí Minh), DVD chương trình đêm nhạc “Tiếng hát Ca trù” - TS. NSƯT Bạch Vân (Hà Nội), DVD chương trình live show “Xin còn gọi tên nhau” - Trần Thị Thanh Trà (TP. Đà Nẵng), DVD chương trình đêm nhạc “Miên khi Cello hát” - Bùi Thị Hà Miên (Hà Nội), DVD chương trình đêm nhạc “Chương trình Phương Linh” - Trịnh Minh Hiền (Hà Nội).

Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tri ân nhạc sĩ lão thành, kết nạp hội viên mới và công bố thành lập Trung tâm Âm nhạc trẻ và Ban Đối ngoại Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-thuong-am-nhac-viet-nam-2023-khi-nhac-da-co-su-khoi-sac-post566128.antd