Giải quyết tình trạng thiếu lao động ngành công nghiệp
Mặc dù phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, sản xuất công nghiệp trên địa bàn với quy mô rất lớn không bị đình trệ, nhưng dịch diễn biến phức tạp và kéo dài ở một số tỉnh, thành phố lân cận đã khiến ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thiếu lao động. Tỉnh và các doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết vấn đề nêu trên để phát huy năng lực sản xuất, đáp ứng các đơn hàng.
Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt từ 25 - 27 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước. Kiểm soát dịch bệnh tốt, cho nên chín tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% và xuất khẩu đạt 21,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận khiến ngành công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thiếu lao động.
Linh hoạt sử dụng lao động
Theo thống kê, hiện nay ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu khoảng hơn 11 nghìn người, trong đó thiếu nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên thiếu khoảng sáu nghìn lao động. Phó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên Trần Quốc Trung cho biết: “Mặc dù tình trạng thiếu lao động trong các KCN diễn ra không gay gắt, nhưng cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương làm cho công nhân không thể trở lại nhà máy; các doanh nghiệp trong KCN không tuyển dụng lao động để chống dịch; nhu cầu đẩy mạnh sản xuất và một số nhà máy mới đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng thiếu lao động”.
Tổ hợp Samsung Thái Nguyên tại KCN Yên Bình gồm các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp thiết bị thông minh với tổng số gần 50 nghìn công nhân, trong đó có hàng nghìn lao động cư trú ở các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, đi về trong ngày. Do dịch Covid-19 bùng phát ở các địa phương này, cho nên số lao động đi về trong ngày không thể trở lại các nhà máy ở Thái Nguyên để làm việc.
Công ty Hansol chuyên sản xuất linh kiện điện tử, với gần 10 nghìn công nhân ở KCN Điềm Thụy, có thời điểm thiếu hơn 500 công nhân, trong đó có nhiều lao động kỹ thuật cao. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNG đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng nâng cấp, mở rộng, xây mới bảy nhà máy, cần tuyển mới gần 500 công nhân; nhiều công nhân ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang không thể sang các nhà máy ở Thái Nguyên nên TNG thiếu lao động.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, vừa qua Tổ hợp Samsung Thái Nguyên điều động hai nghìn công nhân tại các nhà máy của mình ở tỉnh Bắc Ninh lên làm việc tại các nhà máy ở KCN Yên Bình. Khi đưa công nhân lên Samsung Thái Nguyên thực hiện cách ly toàn bộ số lao động này trong vòng 14 ngày tại ký túc xá trong khuôn viên nhà máy, sau đó thực hiện “ba tại chỗ” là ăn, ở, làm việc trong nhà máy.
Đồng thời, Samsung Thái Nguyên động viên công nhân tăng ca để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Tương tự như vậy, Công ty Hansol chấp nhận tăng chi phí ăn, nghỉ, xét nghiệm để đón hơn 500 công nhân, cán bộ kỹ thuật trở lại làm việc. Công ty TNG động viên công nhân làm thêm giờ để đáp ứng các đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN Thái Nguyên vận động, có chính sách phúc lợi, an sinh để công nhân tăng ca nhằm đáp ứng các đơn hàng, giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Kết nối cung - cầu lao động
Tỉnh Thái Nguyên vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thiếu lao động. Theo Phó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên Trần Quốc Trung, các cơ quan chức năng và Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu lao động. Tỉnh vừa phân bổ 150 nghìn liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm đủ hai mũi cho toàn bộ công nhân trong các KCN; cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các “vùng xanh”; nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đón và tuyển dụng công nhân.
Trung tâm Đào tạo nghề KCN Thái Nguyên đã chủ động tìm hiểu nhu cầu lao động của các doanh nghiệp và tổ chức lực lượng đến các “vùng xanh” tuyên truyền, giới thiệu vị trí việc làm. Các công ty môi giới lao động cũng bắt đầu hoạt động trở lại, kết nối với doanh nghiệp để tuyển dụng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của người lao động và tổ chức một số ngày hội việc làm cấp tỉnh, cấp huyện và hơn 20 phiên giao dịch việc làm cấp huyện, xã và định kỳ miễn phí cho hơn 10 nghìn người. Trước mắt, các doanh nghiệp tuyển dụng hơn một nghìn lao động với hợp đồng từ hai năm trở lên.
Với các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, các doanh nghiệp linh hoạt sử dụng lao động cho nên đến nay, tình trạng thiếu lao động công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết một bước. Thời gian tới, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các đơn vị dịch vụ việc làm sẽ đẩy mạnh các hoạt động cung - cầu lao động.
Tại cuộc đối thoại giữa Ban Quản lý các KCN và doanh nghiệp được tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân đã tiêm đủ hai liều vắc-xin, xét nghiệm âm tính với Covid-19, từ “vùng xanh” trở lại làm việc thì không phải cách ly dài ngày để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực.