Giải quyết tình trạng nông dân tỉnh Hà Nam bỏ ruộng

Hà Nam là tỉnh nông nghiệp với khoảng 32.000 ha đất trồng lúa, khoảng 80% dân số là nông dân. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện tình trạng nhiều nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, dẫn đến nhiều diện tích đất hai lúa không được nông dân gieo cấy, gây lãng phí đất sản xuất.

Nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Trên các cánh đồng của xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, bên cạnh những thửa ruộng lúa đã lên xanh, có rất nhiều thửa ruộng bỏ hoang, ngay cả những thửa ruộng có điều kiện canh tác thuận lợi về thủy lợi, nằm ngay sát trục giao thông chính. Vào thời điểm cây lúa đang cần được chăm bón, nhưng cả cánh đồng rộng mênh mông chỉ có dăm ba người nông dân canh tác. Theo Hợp tác xã Nông nghiệp xã Nhân Khang, vụ mùa năm nay, Nhân Khang có tới gần 30 ha ruộng bỏ không, dù đây là vụ lúa chính trong năm.

Huyện Lý Nhân được xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, đây lại là một trong những huyện có diện tích đất lúa bị bỏ hoang nhiều nhất tỉnh. Năm 2016, toàn huyện có 30 ha đất lúa bị bỏ hoang và đến năm 2019 con số này lên tới hơn 100 ha. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN và PTNT) huyện Lý Nhân cho biết, tình trạng người dân bỏ ruộng đang có chiều hướng tăng.

Theo thống kê của ngành NN và PTNN tỉnh Hà Nam, chỉ tính riêng vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh có hơn 300 ha đất nông nghiệp hai vụ lúa bị nông dân bỏ hoang không gieo cấy. Tình trạng này được cho là có chiều hướng gia tăng so với các năm trước. Diện tích này tập trung nhiều tại các xã: Nhân Khang, Đồng Lý, Chính Lý, Bắc Lý (huyện Lý Nhân); Yên Nam, Tiên Nội, Hoàng Đông (huyện Duy Tiên); Lê Hồ, Nguyễn Úy, Thụy Lôi (huyện Kim Bảng); Tiên Tân, Tiên Hải, Lam Hạ, Đinh Xá, Liêm Tiết (TP Phủ Lý)... Nguyên nhân chính được tỉnh Hà Nam xác định là do tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp, bởi ngày càng có nhiều khu công nghiệp, nhà máy được xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam, đã thu hút một lượng lớn lao động trong độ tuổi tại các địa phương vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Điều đó khiến nhiều người, nhất là những lao động trẻ không còn thiết tha với đồng ruộng. Không phải đi làm xa, lao động làm nông nghiệp trước đây nay vào các doanh nghiệp làm công nhân. Một gia đình có hai người làm công nhân mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng, có thể nhiều hơn thu hoạch cả vụ lúa… Vì thế, xu thế người dân bỏ làm ruộng, đi làm công nhân ngày một nhiều hơn. Mặt khác, do thu nhập từ cấy lúa hiện nay quá thấp, nên người dân không còn mặn mà với công việc đồng áng. Còn với những lao động đã quá tuổi đi làm công nhân ở nhà máy, xí nghiệp, trong các khu công nghiệp, người nông dân cũng có thể làm những công việc khác không liên quan đến cấy hái, mùa màng như xây dựng, làm thuê ở những làng nghề truyền thống. Phụ nữ ở các vùng quê quá tuổi làm công nhân thì lên các thành phố lớn làm giúp việc gia đình hoặc buôn bán… Vì thế, về các vùng quê hôm nay chỉ thấy người già và trẻ em.

Tuy nông dân không còn mặn mà, thiết tha với sản xuất nông nghiệp, do việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả không cao, khó bảo đảm đời sống, song có một thực tế là, các hộ dân không sản xuất nông nghiệp nhưng đang giữ ruộng chờ Nhà nước quy hoạch dự án để nhận tiền đền bù là tâm lý chung của nhiều hộ nông dân ở các địa phương. Mặc dù theo Luật Đất đai quy định người dân bỏ hoang không cấy ruộng quá hai năm thì Nhà nước sẽ thu lại, nhưng thực tế ở Hà Nam chưa có nơi nào chính quyền xã thu lại ruộng bị người dân bỏ hoang không cấy.

Để giải quyết tình trạng đất lúa bị bỏ không gieo cấy, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Nông dân không làm ruộng để chuyển đổi ngành nghề mới, tăng thu nhập cho gia đình đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam. Khi nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, dẫn đến tình trạng nhà nông bỏ ruộng là thực tế không mới ở nhiều địa phương thời gian gần đây. Để giải quyết “bài toán” này, cần một giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững, cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế của ngành nông nghiệp nước ta cũng như với sự phát triển ở các vùng nông thôn hiện nay.

Đào Phương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/dieu-tra-qua-thu-ban-doc/item/40979302-giai-quyet-tinh-trang-nong-dan-tinh-ha-nam-bo-ruong.html