Giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công: Đến từng nhà và tận tình giúp đỡ

Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã phục viên, xuất ngũ nhưng không may mắc các chứng bệnh thần kinh, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, mặc dù để hoàn chỉnh hồ sơ xác nhận cho những đối tượng mắc bệnh này là rất khó...

Tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia từ năm 1982, đến năm 1987, ông Nguyễn Văn Căn ở ấp Mương Khai, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) xuất ngũ trở về địa phương. Ông Căn bị mắc bệnh tâm thần chỉ một thời gian sau khi trở về địa phương và đến nay đã gần 40 năm. Thực hiện chính sách giải quyết chế độ cho quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã phục viên, xuất ngũ không may mắc các chứng bệnh thần kinh, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức rà soát, lập hồ sơ, giám định sức khỏe, kết quả tỷ lệ thương tật của ông Căn là 65%. Theo đó, mỗi tháng ông Căn được hưởng trợ cấp 2.184.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Kính là anh ruột của ông Nguyễn Văn Căn, xúc động nói: “Từ khi được giải quyết chế độ, chính sách, gia đình rất mừng. Ông Căn không có vợ, ở chung với gia đình tôi. Nhờ số tiền trợ cấp hằng tháng, gia đình có điều kiện để chăm sóc em tôi tươm tất hơn”.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long: Trong 45 trường hợp đã được tỉnh giải quyết chế độ thì có 7 người tỷ lệ thương tật trên 81% và 38 trường hợp tỷ lệ thương tật 65%. Đa số các cựu quân nhân bị bệnh tâm thần đều mất hết giấy tờ nên chúng tôi phải lần tìm tất cả đầu mối, mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, để hoàn tất hồ sơ một cách nhanh nhất và đúng thực tế, đúng đối tượng. “Các quân nhân mắc chứng tâm thần nặng muốn tiếp cận đã khó, huống chi đến việc tìm hiểu làm hồ sơ, đưa đi giám định thương tật. Do vậy, chúng tôi đã phối hợp với các y sĩ, bác sĩ Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đến tận nhà để khám, sau đó gửi kết quả đưa đi giám định để xác định chính xác tỷ lệ thương tật. Nhờ cách làm hiệu quả này mà tỉnh Vĩnh Long đã giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho nhiều trường hợp”, Trung tá Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Thượng tá Trần Văn Nghĩa, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang: Một trong những khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách cho những đối tượng mắc chứng bệnh thần kinh là do thời gian lâu nên rất nhiều trường hợp không còn giữ được giấy tờ gốc, hoặc các chứng nhận liên quan. Với phương châm “đến từng nhà, rà từng đối tượng”, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan từ tỉnh đến cấp xã tổ chức khảo sát, thẩm định hồ sơ theo đúng quy trình để giúp các quân nhân sớm được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. “Có nhiều trường hợp ở tận TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh miền Đông… nhưng dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đến tận nơi để tìm hiểu, làm hồ sơ, thủ tục. Từ năm 2015 đến nay, qua hai đợt, tỉnh Tiền Giang đã có 108 trường hợp được giải quyết và hưởng trợ cấp theo đúng quy định”, Thượng tá Trần Văn Nghĩa cho biết.

Tham gia thẩm định các trường hợp cựu quân nhân của tỉnh Tiền Giang tại Bệnh viện Quân y 120 (Cục Hậu cần Quân khu 9), Đại tá, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Việc tổ chức giám định tại đây giúp giảm một phần chi phí, đồng thời rất tiện cho việc đi lại của các bệnh nhân tâm thần vốn không làm chủ được mình. Hồ sơ được chuẩn bị rất chu đáo, chặt chẽ. Tất cả trường hợp đều được chúng tôi thẩm định kỹ và kết luận như tuyến dưới đã đề nghị”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phùng Văn Mười, Chính ủy Bộ CHQS tỉnhVĩnh Long cho biết: “Bên cạnh các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định, thời gian qua bằng nguồn quỹ do cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đóng góp, chúng tôi còn tổ chức các đoàn đi khảo sát những trường hợp cựu quân nhân mắc bệnh tâm thần gặp khó khăn về nhà ở để xét tặng “Nhà tình thương”; thăm, tặng quà vào mỗi dịp lễ, tết... Việc làm ý nghĩa này thể hiện tình đồng chí, đồng đội, sự biết ơn của thế hệ đi sau với những người đi trước”.

Việc giải quyết chế độ cho quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã phục viên, xuất ngũ nhưng không may mắc các chứng bệnh thần kinh là rất nhân văn, nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, để không sót lọt đối tượng được thụ hưởng chế độ này, đòi hỏi các địa phương cần thực sự tích cực, chủ động, phát huy trách nhiệm, sự tận tình của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, rà soát, giúp các đối tượng hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định. Cách làm của tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long nêu trên rất cần được nhân rộng trong cả nước nhằm phát huy ý nghĩa nhân văn cao cả, đem lại hiệu quả cao nhất, thiết thực tri ân những người có công với cách mạng.

ĐỨC QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-quyet-che-do-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-den-tung-nha-va-tan-tinh-giup-do-582338