Giải pháp xanh cho ngành vận tải

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn diện và bền vững là xu hướng của mọi nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đang nỗ lực xây dựng những chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường như một lợi thế cạnh tranh trong việc giao hàng và mở rộng thị trường, nhất là khi có tới 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do vận tải.

Hành khách chờ đón tuyến buýt điện VinBus E06 trên phố Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Ảnh tư liệu: Tuyết Mai/TTXVN

Hành khách chờ đón tuyến buýt điện VinBus E06 trên phố Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Ảnh tư liệu: Tuyết Mai/TTXVN

Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, xử lý và bảo quản hàng hóa do vận tải 10%, xử lý 2% và kho là 2%. Đối với hoạt động vận tải chịu các tác động của khí thải, ùn tắc giao thông, tiếng ồn phương tiện.

Vận tải xanh chủ yếu được thực hiện thông qua việc thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid và sử dụng nhiên liệu sinh học, các loại nhiên liệu bền vững trong vận tải.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt ở các vùng xa xôi. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như xe điện. Việc thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ như trạm sạc điện cho xe vận tải điện, kho hàng và trung tâm phân phối xanh cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.

Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Nguyễn Thị Phương Hiền cho biết: Chiến lược phát triển giao thông vận tải nhằm thúc đẩy hậu cần xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững ở Việt Nam bằng các chiến lược trong vận tải hàng hóa xanh, chiến lược trong ngành hàng hải, hàng không, ngành đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ… với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong hệ thống giao thông vào năm 2050.

Đơn cử như Cảng Gemadept Dung Quất là một ví dụ khi xác định mục tiêu xây dưng là cảng sinh thái, với một loạt các tiêu chí xanh từ kiểm soát về khói, bụi và giảm tiếng ồn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xác định mẫu nước dằn tàu; xây dựng hệ thống phân loại và quản lý rác thải đúng theo quy định, tiết kiệm năng lượng, cũng như sử dụng các năng lượng xanh.

Theo đại diện Cảng Gemadept Dung Quất, cảng sinh thái (Ecoport) là mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế, và đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới. Trên thế giới, mô hình cảng sinh thái không còn xa lạ. Đó là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và tương lai.

Thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Chính phủ cam kết, Cảng Gemadept Dung Quất đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064 về quản lý khí nhà kính và xây dựng tiêu chuẩn Cảng xanh theo TCCS 02:2022/CHHVN gồm các yêu cầu về quản lý môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm khí thải và tăng cường an toàn lao động.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Gemalink, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Gemalink, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Về quy trình xanh hóa vận tải còn bao gồm các hoạt động tối ưu hóa khả năng chuyên chở của phương tiện và lộ trình vận chuyển nhờ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong giao hàng chặng cuối. Song điều này đòi hỏi khả năng tài chính của doanh nghiệp và đây vẫn được đánh giá là thách thức lớn nhất, ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển xanh quy trình vận tải; trong đó, có mục tiêu tái cơ cấu hoạt động, thay đổi trang thiết bị…

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cho hay, một lượng lớn tàu của các công ty vận tải biển Việt Nam có tuổi tàu cao, không đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải carbon của Tổ chức Hàng hải thế giới(IMO). Khi tham gia các tuyến hàng hải quốc tế buộc phải giảm công suất máy xuống thấp, gây tổn hại kỹ thuật máy và giảm sâu tốc độ tàu hoặc phải cho tàu dừng hoạt động.

Nếu muốn đạt được yêu cầu mỗi năm giảm phát thải CO2 ít nhất 2% như lộ trình của IMO, ngoài việc trang bị thêm thiết bị, các chủ tàu còn phải thực hiện một số biện pháp hoán cải lớn về kết cấu, hoặc phải đầu tư loại tàu sử dụng nhiên liệu mới thay thế nhiên liệu nặng như khí hóa lỏng (LNG, Methanol…).

"Các biện pháp này gần như bất khả thi với các chủ tàu Việt Nam và rất nhiều chủ tàu nhỏ của các quốc gia khác trên thế giới do việc hoán cải bị đội chi phí quá lớn và không hiệu quả trong kinh doanh", đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyết. Theo đó, rà soát, kiến nghị điều chỉnh các đề án, dự án phát triển ngành giao thông vận tải đảm bảo tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; trong đó, có phương tiện giao thông điện, phát triển các trung tâm logistics xanh, cảng xanh, ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.

Cùng đó, ngành giao thông đang tập trung ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động vận tải, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, giảm tiêu thụ năng lượng.

Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-xanh-cho-nganh-van-tai-20240619061222733.htm