Giải pháp tái khởi động hàng trăm dự án bất động sản tại TP.HCM
Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản xin được tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến nay nước ta đã kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và chuyển sang trạng thái bình thường mới, sẵn sàng cho việc sống chung an toàn với dịch. Do vậy, để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách.
Chủ tịch HoREA đã nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan thị trường bất động sản để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với UBND TP.HCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra. Việc này nhằm để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có phát sinh) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp tái khởi động trở lại hàng trăm dự án bất động sản. Qua đó, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
HoREA còn đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở, tương tự như cơ chế giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cá nhân, hộ gia đình cũng cần được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Đặc biệt, ông Châu còn cho biết nhiều dự án BT của các doanh nghiệp đã được ký kết trước ngày 1.1.2018 đã hoàn thành xây dựng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng hoặc đã hoàn thành phần lớn khối lượng công trình, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận đủ điều kiện thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng BT.
Thế nhưng đến nay những dự án này vẫn chưa được thanh toán với lý do chờ hướng dẫn thực hiện, dẫn đến doanh nghiệp bị thiệt hại vì bị chôn vốn, bị tăng chi phí tài chính, chi phí quản lý. Vì vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT được ký trước ngày 1.1.2018.
Ngoài ra, để sớm giải quyết "ách tắc" của các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay, giúp khai thông thị trường bất động sản, kéo theo hơn 90 ngành nghề liên quan, tạo được việc làm cho nhiều người lao động, ông Châu đề nghị Thủ tướng làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thực hiện quy trình rút gọn đối với Luật Đầu tư (sửa đổi) để Luật sớm có hiệu lực.
Đáng chú ý, để tạo đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Hiệp hội này còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm giao thẩm quyền cho TP.HCM và 4 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An được chấp thuận tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn, các Bộ chỉ thực hiện công tác hậu kiểm.
Đáng chú ý, Chủ tịch HoREA cũng nêu kiến nghị không "siết" trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay. Hiệp hội nhận định hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản.
Về chính sách tín dụng, HoREA đề nghị các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ đến hạn; đề nghị được xem xét giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020),được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn…