Giải pháp nhà máy thông minh cho đô thị công nghiệp Bình Dương

Ngày 10/7, tại Thành phố mới Bình Dương, Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin và Truyền thông Bình Dương (VNTT) và Tập đoàn Thăng Uy tổ chức hội thảo Giải pháp nhà máy thông minh-sản xuất thông minh.

Các doanh nghiệp tìm hiểu về giải pháp chuyển đổi nhà máy sang thông minh và cách vận hành sau khi tích hợp các ứng dụng thông minh vào sản xuất. Ảnh: TTXVN phát

Các doanh nghiệp tìm hiểu về giải pháp chuyển đổi nhà máy sang thông minh và cách vận hành sau khi tích hợp các ứng dụng thông minh vào sản xuất. Ảnh: TTXVN phát

Hội thảo này tập trung vào việc xây dựng đô thị công nghiệp thông minh của tỉnh Bình Dương, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong năm 2024, VNTT - một thành viên của Tổng công ty Becamex IDC được giao nhiệm vụ tiên phong trong việc áp dụng nền tảng quản lý Beca Smart City ( là nền tảng được phát triển với định hướng tích hợp toàn bộ các hệ thống công nghệ thông tin (IT), công nghệ vận hành (OT) và công nghệ kỹ thuật (ET)) tại Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) và xây dựng hệ thống quản lý 14 nhà máy xử lý nước thải thông minh. Đặc biệt, dự án Smart Factory đã được triển khai cụ thể tại nhà máy của Orion Foods Vina, nâng cấp thành nhà máy thông minh tiêu biểu tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VNTT chia sẻ: VNTT tin tưởng với khả năng của mình và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex, VNTT sẽ nỗ lực tham gia thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp từ lao động thông thường sang công nghiệp thông minh, hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo định hướng của Đảng, Nhà nước và chủ trương của tỉnh Bình Dương.

Đơn vị VNTT và đơn vị Thang Uy Group/SSI Solution – HoneyWell về hợp tác trong đẩy mạnh chuyển đổi sang nhà máy thông minh và vận hành sản xuất thông minh. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Đơn vị VNTT và đơn vị Thang Uy Group/SSI Solution – HoneyWell về hợp tác trong đẩy mạnh chuyển đổi sang nhà máy thông minh và vận hành sản xuất thông minh. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

VNTT đã phát triển các giải pháp Smart Factory, là quy trình sản xuất thông qua tự động hóa và tối ưu hóa. Giải pháp này ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp chuyển đổi nhà máy theo mô hình ISA-95 (từ kinh doanh, kế toán tài chính đến các hệ thống điều hành sản xuất, bảo trì máy móc thiết bị và kiểm soát chất lượng). Giải pháp này số hóa toàn bộ nhà máy, tối ưu quá trình sản xuất, tăng hiệu suất và giảm chi phí vận hành.

Công nghệ Smart Factory tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, từ máy móc thiết bị sản xuất đến các quy trình cung ứng, giúp kiểm soát quá trình sản xuất, bảo trì và theo dõi kho. Hệ thống này giúp giảm thời gian chết máy, dự báo và tự hiệu chỉnh, nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt. Các tài sản trong nhà máy được gắn cảm biến thông minh để liên tục cập nhật dữ liệu, đảm bảo thông tin luôn phản ánh các điều kiện hiện tại. Dữ liệu từ các hệ thống kinh doanh và nhà cung cấp cũng được tích hợp, cho phép cái nhìn toàn diện về chuỗi cung ứng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương - Nguyễn Việt Long nhấn mạnh: Hội thảo về nhà máy thông minh – sản xuất thông minh và các ký kết hợp tác thúc đẩy chuyển đổi là rất quan trọng, đúng theo đường hướng phát triển của tỉnh Bình Dương để xây dựng thành phố thông minh. Nhà nước luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp triển khai các giải pháp thông minh, chuyển đổi số không chỉ cho chính quyền mà còn cho các nhà máy sản xuất, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội. Đây là những bước đi tích cực cho sự phát triển của toàn xã hội.

Ký kết biên bản hợp tác trong đẩy mạnh chuyển đổi sang nhà máy thông minh và vận hành sản xuất thông minh. Ảnh: TTXVN phát

Ký kết biên bản hợp tác trong đẩy mạnh chuyển đổi sang nhà máy thông minh và vận hành sản xuất thông minh. Ảnh: TTXVN phát

Trong hội thảo, VNTT đã ký kết hợp tác chiến lược với các đơn vị NaviX Solutions và Honeywell, nhằm nâng cao tiềm lực nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ thực hiện đề án phát triển thành phố thông minh Bình Dương. Sự hợp tác này tạo nền tảng cho việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn tại Bình Dương, góp phần thúc đẩy hiệu quả mạng lưới cung ứng và nâng cao chất lượng sản xuất thông minh vào các máy trong khu công nghiệp.

Các giải pháp cụ thể như Smart Factory không chỉ tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn thể hiện cam kết của Bình Dương trong việc xây dựng một đô thị thông minh, nơi công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện có 72.319 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.134.123 tỷ đồng. Cùng với đó, 4.322 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,9 tỷ USD.

Dương Chí Tưởng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nha-may-thong-minh-cho-do-thi-cong-nghiep-binh-duong/340071.html