Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?

Thời gian vừa qua, tình trạng bạo lực học đường đang trở nên nóng và nghiêm trọng hơn khi liên tục xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Những vụ bạo lực học đường đang khiến trường học từ nơi an toàn, thân thiện trở thành nỗi ám ảnh đối với một số học sinh.

Liên tục xảy ra bạo lực học đường

Bạo lực học đường không phải vấn đề mới, nhưng thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn và mang tính nghiêm trọng hơn. Các vụ bạo lực học đường hầu hết đều diễn ra trong lớp, trong trường do những xích mích nhỏ mà các em đã có hành động xung đột với nhau, trái lại với chuẩn mực học đường và xã hội.

Mới đây nhất, ngày 13/4, tại tỉnh Quảng Bình, mạng xã hội lan truyền đoạn clip khoảng 15 giây ghi lại hình ảnh một nữ sinh mặc áo trắng đeo khăn quàng, tát liên tục vào mặt một bạn nữ khác mặc áo khoác đồng phục đang quỳ dưới nền gạch. Theo tìm hiểu, sự việc xảy ra tại Trường THCS số 1 Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Nữ sinh ở Trường THCS số 1 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) quỳ gối chịu tát liên tục. Ảnh cắt từ clip.

Nữ sinh ở Trường THCS số 1 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) quỳ gối chịu tát liên tục. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, ngày 10/4, phụ huynh Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ với nhau về một video ghi lại cảnh học sinh đánh nhau tại lớp học. Video dài 3 phút 50 giây ghi lại việc một nhóm học sinh mặc đồng phục thể dục màu trắng có in chữ trường Tiểu học Kim Đồng đánh liên tiếp một nữ sinh cũng mặc đồng phục, thậm chí dùng cả mũ bảo hiểm để đánh bạn.

Vào ngày 9/2, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một nữ sinh dùng tay túm tóc, tát, đánh liên tiếp nhiều lần vào đầu một nữ sinh khác. Sau đó, nữ sinh này quật ngã bạn rồi dùng chân đá vào mặt. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ngồi ôm đầu "chịu trận". Sự việc xảy tại nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Thị Thập (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM).

Từ những vụ việc trên, có thể nhận thấy tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra ngày càng phức tạp. Ngoài ra, các vụ bạo lực học đường không dừng lại ở các học sinh nam, mà còn xảy ra ở các học sinh nữ với nhiều vụ đánh nhau, hăm dọa nhau bằng những cử chỉ thô bạo, để lại hậu quả xấu.

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở nam sinh mà còn xuất hiện ở cả các nữ sinh.

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở nam sinh mà còn xuất hiện ở cả các nữ sinh.

Trả lời báo Lao động Thủ đô, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Cụ thể, ở phía gia đình, sau 2 năm dịch Covid-19, các phụ huynh phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn và áp lực trong cuộc sống. Khiến việc họ trút giận lên con cái hoặc bạo lực gia đình trước mặt con cái đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Từ những việc đó, lâu ngày sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, tư duy và nhận thức của con trẻ. Đặc biệt là những trẻ ở bậc học THCS và THPT, tác động xấu từ gia đình có thể khiến trẻ hình thành nhân cách và tư duy méo mó, dẫn đến những vụ bạo lực học đường khi trẻ tham gia vào môi trường trường học.

Về phía nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng, học sinh chuyển từ THCS lên THPT dễ bị sốc do có sự khác nhau về phương pháp học, cách cho điểm. Kèm theo đó, số lượng bài học nhiều, môn học nhiều khiến học sinh bị áp lực, mệt mỏi và căng thẳng.

“Chương trình học hiện nay rất nặng nề, khiến học sinh chỉ biết học và học, thậm chí học một ngày hai buổi vẫn không kịp chương trình. Từ đó, học sinh không có thời gian để tham gia các hoạt động khác mà chỉ biết tập trung hoàn thành bài tập, gây ra tình trạng mệt mỏi đối với học sinh”, ông Huỳnh Thanh Phú cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Phú cũng cho biết, khi xảy ra các vụ bạo lực học đường, phía nhà trường thường xử lý bằng các hình thức như: Kiểm điểm, hạ hành hiểm, đuổi học… Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn. Điều quan trọng, nhà trường phải có giải pháp căn cơ nhằm dập tắt những dấu hiệu của bạo lực học đường, không để vụ việc xảy ra rồi mới tìm biện pháp xử phạt học sinh.

Từng là nạn nhân của bạo lực học đường, em M.L (14 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, nguyên nhân của bạo lực học đường đến từ những việc rất nhỏ nhặt. Cụ thể, một lần trong giờ kiểm tra, một học sinh cùng bàn đề nghị L. cho chép bài để được điểm cao, nhưng bị L. từ chối. Đến giờ ra chơi, L. bị một nhóm học sinh hăm dọa, có những lời nói xúc phạm.

"Những bạn đó dọa đánh và có nhiều lời lẽ khiến em cảm thấy bị tổn thương. Em không dám nói lại cho thầy cô và cha mẹ vì sợ bị đánh, nên em phải cam chịu hoặc làm theo yêu cầu của những bạn đó để không tiếp tục bị các bạn đe dọa", em M.L cho biết.

Giải pháp nào cho bạo lực học đường?

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, nhà sáng lập ứng dụng JobWay, cố vấn cấp cao Tổ chức giáo dục AEG Việt Nam nhận định, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm, nơi lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù các vụ việc xảy ra chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, song những hậu quả để lại kéo theo những hệ lụy khó lường cho xã hội.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cho rằng, những nạn nhân rơi vào trường hợp bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, bên cạnh những vết thương về thể chất thì còn bị tổn thương về tâm lý. Bạo lực học đường khiến học sinh luôn cảm thấy bất an khi đến trường, không còn cảm thấy sự an toàn khi học tập tại trường, kết quả học tập từ đó cũng giảm sút.

“Nếu sức khỏe tinh thần của học sinh bị ảnh hưởng thì còn khiến chất lượng của các hoạt động khác bị giảm sút như: sự giao tiếp, sự minh mẫn, sự tập trung… khi đến trường học tập”, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cho hay.

Những buổi chia sẻ trực tiếp sẽ giúp các học sinh giải tỏa căng thẳng, hình thành cảm xúc tích cực và kỹ năng giao tiếp.

Những buổi chia sẻ trực tiếp sẽ giúp các học sinh giải tỏa căng thẳng, hình thành cảm xúc tích cực và kỹ năng giao tiếp.

Nói về giải pháp để hạn chế bạo lực học đường, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cho rằng, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật và nhà trường trong việc tuyên truyền về hậu quả của bạo lực học đường. Để các học sinh biết hiểu được việc hành vi bạo lực với bạn học khác sẽ phải chịu những mức xử phạt nào của pháp luật, mức kỷ luật nào của nhà trường.

Ngoài ra, còn phải có sự vào cuộc của các chuyên gia tâm lý để có những chuyên đề chia sẻ cho các học sinh, để giúp các em hiểu về bản thân mình và hiểu người khác. Nhà trường cũng cần phải quan tâm sâu sát các học sinh, nhằm kịp thời nắm bắt những tình huống “chớm nở” của bạo lực học đường, từ đó có thể can thiệp và tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cho rằng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, bằng việc xây dựng thiết chế phòng tham vấn tâm lý online: với đội ngũ chuyên gia tâm lý tập trung, để bất kỳ học sinh nào có vấn đề tâm lý cũng sẽ được hỗ trợ kịp thời. Ở đó sẽ giúp học sinh hiểu được vấn đề tâm lý, đồng thời có nơi để giải tỏa tâm lý của mình.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng, nhà trường cần phải tăng cường công tác tư vấn học đường, dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, các thầy cô cũng phải cởi mở với học sinh, ghi nhận sự phát triển bằng việc ra nhiều bài kiểm tra để học sinh có cơ hội phát triển, từ đó sự tương tác giữa thầy và trò trở nên thân thiện và gắn kết hơn.

“Chính quyền địa phương cũng cần phải có biện pháp kịp thời, nhất là khi có các đối tượng lạ từ bên ngoài xông vào trường. Các trường cần phải có "bức tường" luật pháp để răn đe các đối tượng bạo lực học đường, không để cho một thế lực bên ngoài xông vào để hành hung thầy cô, học sinh”, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-phap-nao-cho-van-nan-bao-luc-hoc-duong-154699.html