Giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc nhưng chưa như kỳ vọng

Nhiều địa phương cho biết gặp khó khăn do một số quy định từ đầu tư công và pháp luật liên quan; việc bồi thường giải phóng mặt bằng; tình trạng thiếu đất, cát và nguyên, nhiên, vật liệu thi công…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công một số dự án trọng điểm tại Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công một số dự án trọng điểm tại Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh: MPI

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù, có nhiều cải thiện, song thực tế, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước, tạo áp lực giải ngân vốn cho những tháng cuối năm.

Tổng hợp từ ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Về nguyên nhân khách quan và đặc thù của đầu tư công, nguồn vốn thường tập trung giải ngân vào cuối năm, các tháng đầu năm chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị, thủ tục lựa chọn nhà thầu, từ giữa và cuối năm mới tạm ứng, giải ngân nhiều.

Nhiều địa phương cho biết gặp khó khăn do một số quy định từ đầu tư công và pháp luật liên quan; việc bồi thường giải phóng mặt bằng; tình trạng thiếu đất, cát và nguyên, nhiên, vật liệu thi công…

Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Do vậy, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; xử lý các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Thủ trưởng các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan của các sở, ngành.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Dự án đường vành đai phía Tây - một trong các dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Dự án đường vành đai phía Tây - một trong các dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trước thực trạng giải ngân "ì ạch" tại một số địa phương, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để bảo đảm đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2024 để phối hợp thực hiện...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2024, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 663.000 tỷ đồng. Hiện, nhiều tỉnh, thành phố đang triển khai với các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là dự án tuyến cao tốc nối liền các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam.

Nhờ đó, chỉ trong tháng 5/2024, thành phố Hà Nội thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 15,6% so với tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do Hà Nội quản lý thực hiện được 18.700 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 24% kế hoạch năm 2024.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, đạt được kết quả trên, thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh những công trình trọng điểm của quốc gia và thành phố. Đây là những dự án có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kinh tế thành phố Hà Nội và vùng Thủ đô. Không những thế, những dự án đầu tư lớn nếu để xảy ra chậm trễ sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề; trong đó, có tăng cao các chi phí phát sinh.

Cùng với đó, Chính phủ đã có rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế và đặc biệt là có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.

Đến nay, Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Song, giải pháp quan trọng nhất chính là sự tự giác, quyết liệt trong tổ chức triển khai thi công các công trình của các đơn vị; các bộ, ngành, địa phương.

Qua 5 tháng năm 2024, có gần 149.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao, góp phần quan trọng kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-khoi-sac-nhung-chua-nhu-ky-vong/337850.html