Giải mã 'kỳ tích' trong xây dựng nông thôn mới ở Tiểu Cần

Việc Tiểu Cần trở thành huyện đầu tiên về đích nông thôn mới ở Trà Vinh từng được ví như kỳ tích, bởi đây từng là địa phương có xuất phát điểm rất thấp. Để tạo nên kỳ tích này, huyện đã không ngừng nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nâng cao trình độ sản xuất.

Với hơn 70% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, huyện Tiểu Cần luôn xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm.

Hiệu quả nhờ liên kết

Cụ thể, huyện đã chủ động đưa lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, phát huy được tiềm năng lợi thế tại từng địa phương, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, khuyến khích phát triển HTX, tổ hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất giá trị cao…

Đơn cử, nhiều năm qua, HTX Rạch Lọp luôn nằm trong nhóm những HTX dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh, bởi phương thức sản xuất giàu khoa học – kỹ thuật, từ đó trở thành điểm tựa cho thành viên phát triển sản xuất, đóng góp xây dựng nông thôn mới.

HTX Rạch Lọp là một trong những điển hình về xây dựng nông nghiệp, nông thôn ở Tiểu Cần.

Sự nỗ lực không biết mệt mỏi của thành viên, người lao động, cùng sự đồng hành của địa phương, đang giúp HTX Rạch Lọp khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới phương thức quản lý và điều hành các khâu dịch vụ, phát triển các dịch vụ mới, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, tổng diện tích nông nghiệp của các thành viên HTX đạt trên 469 ha, trong đó 350 ha trồng lúa, 119 ha trồng dừa. HTX cũng đã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: gạo Rạch Lọp - Tiểu Cần, gạo Rạch Lọp - Tân Hùng và gạo Rạch Lọp - Trà Vinh.

Tổng doanh thu của HTX năm 2022 đạt trên 9,2 tỷ đồng. Đồng thời, HTX được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong 66 HTX nông nghiệp điển hình trong nhóm Coop.66 và chọn để xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 - 2025 làm cơ sở phát triển nhân rộng trên cả nước.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, HTX Rạch Lọp xác định nhiệm vụ trọng tâm là cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho lúa thương phẩm, tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị gạo cung ứng ra thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm và từng bước mở rộng quy mô hoạt động.

Đồng thời, HTX sẽ chủ động tiếp cận nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ để đầu tư xây dựng nhà máy xay xát, chế biến, đóng gói gạo nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo; chủ động liên kết, hiệp thương với các công ty thu mua nông sản với giá cả hợp lý nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho các thành viên.

Thúc đẩy nông nghiệp sạch

Hiệu quả của các HTX là một trong những điểm tựa để huyện Tiểu Cần thúc đẩy nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao thời gian qua. Đến nay, lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện đã từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và thị trường tiêu thụ.

Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được hơn 627ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả có tính liên kết gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Qua quá trình chuyển đổi, bước đầu giúp thu nhập của người dân tăng từ 1,5 - 2 lần so với trồng lúa truyền thống, giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

Nông nghiệp hàng hóa sẽ tiếp tục là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Tiểu Cần.

Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt của gia đình ông Thạch Pho La ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần. Mô hình được triển khai từ năm 2019, hiện đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Thạch Pho La chia sẻ: “Năm 2019, tôi quyết định chuyển đổi 1.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới công nghệ cao, trung bình mỗi năm thu 4 - 5 vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 150 - 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích”.

Song song với việc tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được chú trọng. Đến nay toàn huyện phát triển được 16 sản phẩm OCOP (tăng 14 sản phẩm so với năm 2020) góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng thu nhập cho người dân.

Quyết tâm "về đích" đúng hẹn

Có thể thấy, thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản phẩm thế mạnh, nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần của người dân chính là điểm tựa giúp Tiểu Cần tạo nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Đến nay, cùng với đà tiến lên của nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện; nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp, liên khu dân cư được nhựa hóa, bê tông hóa. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99,6%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện hiện đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cuối năm 2022 chỉ còn trên dưới 2%. Các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tính đến tháng 6/2023, huyện Tiểu Cần có 7/9 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 6 xã đạt chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 và 1 xã đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đặt mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện phù hợp thời kỳ mới và quá trình đô thị hóa, trong đó có xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện để tranh thủ chính sách đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, Trung ương.

Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năng suất cao; phát huy hiệu quả các HTX, tổ hợp tác, kết hợp nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương…

Sáu Ngạn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giai-ma-apos-ky-tich-apos-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-tieu-can-1094430.html