Giải mã hiện tượng giá vàng trong nước 'nhảy múa'

Giai đoạn đầu tháng 9, giá vàng trong nước có những thời điểm biến động tăng khá mạnh. Điều này cũng đặt ra những phán đoán khác nhau về tính liên thông của thị trường vàng và các kênh đầu tư khác, cũng như tác động chung của dòng tiền trong thời điểm hiện tại.

Nguồn: Tổng hợp từ Kitco và SJC. Đồ họa: Hồng Vân

Những biến động lệch pha

Giá vàng thế giới thời gian qua diễn ra trong trạng thái khá yên ả khi các nhà đầu tư vẫn trong trạng thái tâm lý thăm dò các động thái mới từ tình hình kinh tế vĩ mô. Cụ thể những ngày gần đây, giá vàng có những thời điểm diễn biến gần như chỉ đi ngang, một số thời điểm có biến động nhưng chỉ trong biên độ hẹp. Sáng ngày 12/9, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.921 USD/ounce, bằng với mặt bằng giá một ngày trước đó.

Nhìn ở chu kỳ dài hơn, giá vàng thế giới từ đầu tháng 9 đến nay có xu hướng đi xuống, cụ thể thời điểm ngày 1/9 vẫn ở mức 1.943 USD/ounce, nhưng giảm xuống 1.936 USD/ounce và tiếp tục đi xuống mặt bằng giá chỉ còn 1.919 USD/ounce vào ngày 9/9.

Hiện nay, các nhà giao dịch hầu hết đều đang chờ đợi số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, bởi số liệu này có thể ảnh hưởng đến quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong các cuộc họp sắp tới của cơ quan này.

Vàng có thể sẽ chưa thu hút dòng tiền thời gian tới

Ông Châu Đình Linh cho biết, vàng có thể sẽ chưa là kênh thu hút dòng tiền thời gian tới bởi đối tượng mua vào chủ yếu vẫn chỉ là cá nhân nhỏ lẻ chứ không phải là nhóm các nhà đầu tư lớn.

Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty tài chính OANDA cho biết, vàng đã bắt đầu tuần mới với tín hiệu tích cực do đồng USD yếu đi, nhưng kim loại quý này có thể sẽ phải đối mặt với một số sức ép trong thời gian tới khi thị trường kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch dự đoán 93% khả năng FED giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 19 - 20/9. Tuy nhiên, tỷ lệ dự đoán cũng cho thấy khả năng tăng lãi suất là 41% vào tháng 11/2023.

Trong khi giá vàng thế giới diễn biến trong trạng thái giảm hoặc đi ngang, thì giá vàng trong nước lại có một trạng thái có vẻ “tưng bừng” hơn khá nhiều. Giá vàng miếng SJC 9999 bán ra hôm 12/9 ghi nhận ở mức 68,85 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 600 nghìn đồng/lượng so với hôm 1/9 và cao hơn tới 1,55 triệu đồng/lượng so với đầu tháng 8/2023.

Đặc biệt có những thời điểm giá vàng “nhảy múa” khá mạnh. Chẳng hạn như riêng trong phiên sáng ngày 8/9, giá vàng miếng SJC niêm yết bật tăng mạnh tới 450 nghìn đồng/lượng so với hôm trước. Tại thời điểm này, vàng miếng SJC 9999 loại 1 lượng trở lên đã lên mốc 68,9 triệu đồng/lượng.

Giải mã hiện tượng biến động giá vàng trong nước

Những biến động mạnh của giá vàng trong nước trong một số thời điểm, cũng như xu hướng trung hạn đang cho thấy chiều hướng tăng, bất chấp bối cảnh giá vàng thế giới vẫn khá yếu - đang trở thành yếu tố thu hút mối quan tâm của giới đầu tư. Bối cảnh này cũng đặt ra một số đồn đoán về xu hướng dòng tiền đang có thể có biểu hiện chuyển dịch vào kênh kim loại quý này.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, với người Việt Nam thì nhu cầu vàng thường được thể hiện qua nhiều mặt vừa như một khoản để dành, vừa làm trang sức và một phần phục vụ cho nhu cầu đám cưới.

Một số lý do có thể khiến giá vàng trong nước thường ở mặt bằng cao so với thế giới là do chính sách Việt Nam không cấp phép nhập khẩu nguyên liệu và độc quyền sản xuất vàng miếng. Trong khi đó với người Việt Nam, vàng vẫn thường là kênh dự trữ an toàn từ trước đến nay, do kim loại quý này cũng gần giống như bất động sản, được coi làm một loại tài sản không hao mòn theo thời gian nên thường vẫn có xu hướng tăng về mặt dài hạn.

Ngoài ra, vàng có ưu điểm hơn bất động sản ở tính thanh khoản, có thể chuyển đổi thành tiền rất dễ dàng, không có rủi ro bị “kẹt hàng” giống như đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, thị trường vàng trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023 có chiều hướng chững lại sau chu kỳ tăng giá trước đó. Cụ thể thời điểm giữa năm 2022, giá vàng miếng SJC 9999 thậm chí có lúc đã tiến sát ngưỡng 70.000 đồng/lượng, nhưng sau đó chững lại và có phần “đuối đi” trong suốt một giai đoạn khoảng 1 năm. Đến giữa năm 2023, giá vàng miếng SJC 9999 bán ra có lúc giảm về dưới 67.000 đồng/lượng trước khi bước giai đoạn phục hồi trong khoảng hơn 1 tháng nay.

Lý do khiến vàng bị mất tính hấp dẫn trong vòng 1 năm là thị trường tiền tệ có thời kỳ lãi suất cao. Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành và sau đó sau “sự cố” tại Ngân hàng SCB, các ngân hàng bước vào một giai đoạn chạy đua lãi suất và lãi suất huy động có lúc vượt lên trên 11%/năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất bước vào chu kỳ giảm và đến nay một số khoản tiền gửi từ thời kỳ lãi suất cao giai đoạn trước đã đáo hạn và lãi suất giai đoạn mới đã thấp hơn nhiều, không còn hấp dẫn để gửi lại.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất chung kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng chỉ còn khoảng quanh mốc 6%/năm, chỉ bằng hơn phân nửa so với lãi suất cao nhất thời kỳ bùng nổ lãi suất cách đây gần 1 năm. Theo đó, các nhà đầu tư sau khi đáo hạn tiền gửi đã có xu hướng tìm các kênh đầu tư khác, trong đó, vàng là một trong những kênh dễ dàng giải ngân nhất./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ma-hien-tuong-gia-vang-trong-nuoc-nhay-mua-135673-135673.html