Giải mã gốc gác mồ côi của anh hùng và siêu nhân

Phần lớn anh hùng, siêu nhân trong các tác phẩm hư cấu đều mồ côi từ nhỏ.

Đa số các nhân vật anh hùng, siêu nhân đều xuất thân mồ côi. Ảnh: ITN

Đa số các nhân vật anh hùng, siêu nhân đều xuất thân mồ côi. Ảnh: ITN

Cha mẹ của họ thường đột ngột qua đời vì bị sát hại hoặc gặp tai nạn, khiến họ rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa. Vì lý do gì mà các tác giả cứ nhất định phải đẩy nhân vật của mình vào tình thế đơn độc, vất vả tự lực lớn lên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Khuôn mẫu chung

Nếu lướt qua xuất thân của các nhân vật siêu nhân trong truyện tranh, phim hoạt hình… bạn sẽ thấy họ có chung một số phận là mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cha mẹ của Superman, Batman, Shazam… bị sát hại chết, cha mẹ của Iron Man, Jessica Jones, Storm… thì bị tai nạn xe hơi, máy bay qua đời.

Các siêu nhân khác tuy may mắn hơn vì chỉ bị mồ côi một người là mẹ hoặc cha nhưng lại sớm bị người còn lại bỏ rơi, trở thành trẻ đơn độc, ví dụ như Daredevil (mồ côi cha, mẹ bỏ đi).

Ngay cả trong văn học viết dành cho thiếu nhi, các tác giả cũng hay xây dựng nhân vật chính xuất thân mồ côi. Từ cậu bé Pid của Charles Dickens (Anh) đến Huck Finn của Mark Twain (Mỹ), Anne Shirley của L. M. Montgomery (Canada)… đều phải chật vật trưởng thành trong bối cảnh thiếu vắng sự chăm sóc từ cha mẹ ruột.

Trong văn học dân gian, đặc biệt là thể loại cổ tích, nhân vật chính xuất thân mồ côi chiếm ưu thế. Từ các công chúa, hoàng tử cho đến trẻ em bình dân đều khốn khổ vì hoàn cảnh mất cha mẹ ruột, bị họ hàng hoặc mẹ kế (trong trường hợp chỉ mồ côi mẹ) hành hạ, chèn ép.

Ngay trong cả thần thoại và truyền thuyết tôn giáo, các anh hùng, tôn chủ cũng không tránh khỏi xuất thân mồ côi. Hercules (Hy Lạp) chỉ được mẹ nuôi lớn, Moses (nhà tiên tri) bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng còn Buddha (Đức Phật) sống một mình.

Phim ảnh siêu anh hùng chuyển thể từ tiểu thuyết đương đại cũng đầy rẫy nhân vật chính xuất thân mồ côi. Từ Harry Potter (Harry Potter) đến Frodo Baggins (Chúa tể của những chiếc nhẫn), Leia Skywalker (Chiến tranh giữa các vì sao)… đều thấm thía nỗi khổ ải tự lực trưởng thành.

 Đọc truyện mồ côi khơi dậy thiện cảm. Ảnh: ITN

Đọc truyện mồ côi khơi dậy thiện cảm. Ảnh: ITN

Thiết lập sự kịch tính

Thiếu cha mẹ, tuổi thơ của anh hùng và siêu nhân là những năm tháng bơ vơ. Một số người được họ hàng nhận nuôi (ví dụ như Harry Potter) nhưng lại bị chính họ ghẻ lạnh, bóc lột và bạo hành. Cuộc sống như địa ngục buộc các nhân vật phải tìm cách thoát ra. Ngay khi quyết tâm vượt thoát nổi lên, hành trình của họ bắt đầu.

Tùy vào hoàn cảnh của nhân vật, tác giả cung cấp cách giải thoát phù hợp. Ở trường hợp của Lọ Lem, Bạch Tuyết… các cô bé chạy trốn khỏi mẹ kế độc ác và kết hôn. Các X-man như Spiderman, Superman, Batman… thì dấn thân vào sự nghiệp công lý và rèn luyện bản thân thành siêu nhân.

Nhìn chung, nhân vật mồ côi phải “chống chọi cả thế giới”. Dù tuổi nhỏ, sức yếu nhưng họ vẫn phải tận lực đấu tranh để sinh tồn, song cũng nhờ thế mà người nào cũng sớm khẳng định được bản thân.

Thiết lập mồ côi giống như bệ phóng, bắn nhân vật ra khỏi “quyền lợi và nghĩa vụ làm con”. Thay vì “chỉ cần ngoan ngoãn, nghe lời người lớn” thì họ được phép tự đưa ra quyết định. Sự ngây ngô và liều lĩnh ném họ vào các tình huống kịch tính và đẩy tình tiết câu chuyện lên cao trào.

Nhân vật mồ côi có một lợi thế là tự do. Vắng sự giám sát của cha mẹ, họ trực tiếp tương tác với thế giới. Tất nhiên, sự trực tiếp này mang tới không ít hiểm họa nhưng nó cũng mở ra cơ hội. Thông qua đó, nhân vật rút ra bài học, hình thành lập trường, định hướng tương lai và nỗ lực vì mục tiêu.

 Lợi thế của nhân vật mồ côi là tự do tiếp xúc với thế giới. Ảnh: ITN

Lợi thế của nhân vật mồ côi là tự do tiếp xúc với thế giới. Ảnh: ITN

Tạo dựng động lực

Đích đến của nhân vật mồ côi mỗi người một khác. Các siêu nhân trong truyện tranh thường theo đuổi công lý, chiến đấu đến cùng vì thế giới bình đẳng hoàn hảo. Các nhân vật văn học thì thường tìm kiếm tự do hoặc mái ấm.

David Copperfield của Charles Dickens (Anh) hài lòng với cuộc sống yên ấm bên người dì yêu thương. Anne Shirley thì vui vẻ trong vòng tay cha mẹ nuôi còn Jane Eyre thân thiết lại với anh em họ, sau đó hạnh phúc bên chồng.

Trên con đường đến đích, các nhân vật tương tác và hình thành vòng xã hội cá nhân. Họ bù đắp sự thiếu thốn thân nhân bằng cách xây dựng và mở rộng mối quan hệ xã hội, hóa giải tư thù...

Điểm chung lớn nhất giữa các anh hùng, siêu nhân là nỗ lực chứng minh và chứng tỏ bản thân xứng đáng được công nhận. Nhiều học giả đồng thuận “nhân vật mồ côi là trẻ em thế giới”, tức là đại diện cho trẻ em toàn cầu.

“Ở đời thực, thế giới có hàng triệu trẻ mồ côi. Giống như những nhân vật hư cấu, trẻ em mồ côi cũng cần có sự kiên cường to lớn để vượt qua tổn thương và xây dựng bản ngã”, Caro Howell (Anh) chia sẻ.

Gốc gác mồ côi của anh hùng, siêu nhân là cảm hứng và động lực thúc đẩy trẻ em nói chung có tinh thần tự quyết. Với trẻ đang trong vòng tay bảo vệ của cha mẹ, nó khuyến khích thái độ dũng cảm, khao khát tự do khám phá. Với trẻ cơ nhỡ, nó xoa dịu tinh thần. Với người trưởng thành, nó khơi gợi lòng thương xót.

Ninh Thị Thơ (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-goc-gac-mo-coi-cua-anh-hung-va-sieu-nhan-post690473.html