Giải mã giấc mơ của… Chí Phèo

Vở chèo 'Cánh diều làng Vũ Đại' sẽ được công diễn trong dự án Sân khấu học đường năm 2023.

Vở chèo 'Cánh diều làng Vũ Đại' sẽ được công diễn đến các em học sinh trong đề án Sân khấu học đường năm 2023. Ảnh: Bình Thanh

“Bà con ơi, cả làng Vũ Đại ơi, Chí tôi quyết sẽ làm người lương thiện!”, đó là giấc mơ của Chí Phèo mà các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội tái hiện trong “Cánh diều làng Vũ Đại”.

Vở chèo sẽ được công diễn trong dự án Sân khấu học đường năm 2023 này đem đến cho khán giả góc nhìn khác về cách đòi làm người lương thiện của Chí Phèo.

Bước ra từ trang sách

Giấc mơ của Chí Phèo được giải mã trong vở chèo 'Cánh diều làng Vũ Đại'. Ảnh: Bình Thanh

“Năm 2023 nhà hát sẽ thực hiện đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. “Cánh diều làng Vũ Đại” là một trong những kịch mục được nhà hát công diễn phục vụ đề án trong thời gian tới. Vở diễn sẽ tiếp tục được chúng tôi hoàn thiện, chỉnh sửa về ngôn ngữ, cách diễn và nội dung để phù hợp với các em học sinh”. NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội

Dù mưa Xuân giăng và hơi lạnh còn vương nhưng rạp Đại Nam (Hà Nội) vẫn kín chỗ khi sáng đèn vở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” (tác giả: Lê Chí Trung, chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh, đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn).

Gần như trong suốt 2 tiếng đồng hồ, rạp hát rộn ràng với những tràng pháo tay tưởng thưởng, những tiếng cười khi thì khúc khích khi thì hả hê, đan xen đôi lời bình luận dành cho lớp diễn hay và thú vị…

Câu chuyện mà vở chèo “Cánh diều làng Vũ Đại” kể rất đỗi quen thuộc, vì được cảm tác từ truyện ngắn nổi tiếng mà nhà văn Nam Cao viết cách đây hơn 80 năm - truyện ngắn “Chí Phèo”.

Những tình tiết điển hình của truyện ngắn vẫn được vở diễn khai thác khá sâu, trong những lớp lang đậm chất chèo truyền thống, nên dễ dàng đưa khán giả hôm nay trở lại với các trang văn đã từng được học trong nhà trường.

Đó là Chí Phèo phải bóp chân cho bà Ba rồi bị đi tù, sau đó về làng và trở thành tên lưu manh rạch mặt ăn vạ hay Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn, ngây dại, sau đêm ăn nằm với Chí Phèo tại vườn chuối, sung sướng nấu cho hắn bát cháo hành giải cảm.

Và cả lão Bá Kiến dâm đãng, cường hào ác bá có phương châm dùng người gian xảo: “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”…” cũng được khắc họa đậm nét.

Khi đó, các nhân vật trong trang sách giáo khoa như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, bà Ba, bà cô Thị Nở, vợ Binh Chức… được các nghệ sĩ Quốc Phòng, Thu Hòa, Xuân Huynh, NSƯT Hoài Thu, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Phương Mây… hóa thân quen mà lạ, khá chân thực và sống động.

Đó vẫn là Chí Phèo - Quốc Phòng - một kẻ say chuyên ăn vạ, đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến trong dáng điệu xiêu vẹo, tiếng nói lè nhè, mặt rạch dọc ngang khiến bao người run sợ… Cùng với đó còn có một gương mặt khác của Chí Phèo - gương mặt gã đinh điền tứ cố vô thân, song là người hiền lành, chất phác, đã từng có một giấc mơ bay cao, bay xa như những cánh diều lộng gió: “Diều liệng bồng bềnh nhớ năm xưa. Biết bao điều mơ ước để theo cánh diều bay cao. Những mong sao cùng chung bước ra vào, khát khao cùng chung một mái ấm gia đình…”.

Vậy nhưng, ở xã hội phong kiến lúc bấy giờ, với đại diện là bố con nhà Bá Kiến và trong một thân phận đầy tớ như Chí Phèo thì giấc mơ ấy sớm bị vùi dập như cánh diều kia sớm rách nát - một hình tượng sân khấu được vở diễn xây dựng và thể hiện khá công phu xuyên suốt từ đầu đến cuối, mang nhiều giá trị biểu đạt.

Nghệ sĩ Quốc Phòng vốn quen thuộc với những vai kép chính hào hoa, phong nhã có giọng hát truyền cảm, ngọt ngào nay hóa thân vào vai diễn Chí Phèo những lúc càn rỡ, bạo ngược, hung dữ là không dễ, song vẫn phần nào để lại ấn tượng cho khán giả.

Đó còn là một Thị Nở - Thu Hòa - dở dở ương ương, hềnh hệch, hồn nhiên trước sự đời; một bà Ba - Hoài Thu - sắc nước hương trời, khát khao nhục dục. Hai nhân vật này hoàn toàn đối lập nhau, họ không chỉ có cùng mối liên hệ với Chí Phèo, mà còn là những tác nhân xoay chiều cuộc đời Chí Phèo.

Nếu bà Ba khiến Chí Phèo từ một kẻ ăn, người ở hiền lành, chân chất biến thành tên lưu manh say xỉn suốt ngày thì ngược lại Thị Nở là người khiến Chí Phèo từ tên lưu manh trở thành người muốn được sống lương thiện… Cả hai nghệ sĩ Thu Hòa và Hoài Thu đều tròn vai cho những vai diễn không dễ này và thực sự tạo được sự đối lập để nêu bật thông điệp vở diễn.

Ngoài ra, nhân vật bà cô Thị Nở - Thu Hằng - cũng được xây dựng rõ nét chứ không phải chỉ là thấp thoáng đôi nét: “Theo người ở Hải Phòng đi buôn chuyến” như trong tác phẩm văn học. Khi ấy, bà cô ế chồng có cái quán bán rượu, cũng biết lo đút lót để giữ chỗ ngồi bán hàng và luôn lu loa lấy cái trinh tiết của mình ra để dạy bảo cô cháu gái dở dở, ương ương Thị Nở.

Dù khai thác câu chuyện xảy ra cách đây gần trăm năm nhưng “Cánh diều làng Vũ Đại” vẫn có những lời thoại được biến tấu theo ngôn ngữ hôm nay, kiểu như bắt trend với câu: “Đúng nhận sai cãi”, “dẹp ai thì dẹp, né con sang một bên để con làm ăn mới được yên ổn...”.

Cách thoại này được nghệ sĩ thể hiện khá tự nhiên nên không bị phô và không chỉ đem đến cho khán giả những phút giây thư giãn, mà còn tăng thêm sự phấn khích, hào hứng…

Góc nhìn khác lạ

Mối tình Chí Phèo - Thị Nở được tái hiện khá xúc động trong vở chèo 'Cánh diều làng Vũ Đại'. Ảnh: Bình Thanh

Không chỉ sân khấu hóa một tác phẩm văn học kinh điển được viết cách đây hơn 8 thập kỷ mà “Cánh diều làng Vũ Đại” còn góp một góc nhìn khác lạ khi góp thêm lời giải về sự lưu manh hóa của Chí Phèo - một điển hình cho thân phận những người nông dân sống trong xã hội phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nếu như ở truyện ngắn “Chí Phèo” người đọc sẽ tập trung vào cha con nhà Bá Kiến - nhất là lão Bá Kiến tàn độc thì khi thưởng thức vở chèo này khán giả lại thấy góc nhìn hướng vào bà Ba (vợ Bá Kiến).

Thực ra, trong truyện cũng có chi tiết kể về việc Chí Phèo phải bóp chân cho bà Ba trong nỗi run sợ nhưng gần như thoáng qua. Ở “Cánh diều làng Vũ Đại”, chi tiết này được lấy làm sợi chỉ xuyên suốt vở diễn để từ đó lý giải vì sao Chí Phèo từ một lực điền chân chỉ lại trở thành một tên rạch mặt ăn vạ, đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến: “Bao nhiêu năm trong tù tôi vẫn mơ, có những lúc tôi định bỏ làng này đi thật xa, tôi sợ cái mùi hương thơm của bà nhưng hồn tôi có ai bịt mắt dẫn về làng. Những lúc tỉnh lại, tôi đã nhận thấy cái mùi hương ấy ở mãi trên cao kia, xa lắm…”.

Vì thế nhân vật bà Ba được khắc họa đậm nét khi là người đàn bà nhan sắc, đáo để và khát khao anh lực điền Chí Phèo. Sau một dịp lả lơi nhưng bị anh Chí từ chối, bà Ba đã rắp tâm “không ăn được thì đạp đổ” và trở thành tác nhân chính đưa anh Chí vào tù để mấy năm sau làng Vũ Đại có thêm một tên lưu mạnh bạt mạng Chí Phèo.

Không chỉ dừng ở đó, sau một đêm được hưởng mật ngọt tình ái với Thị Nở và ăn bát cháo hành Thị nấu, Chí Phèo tỉnh ngộ ra và quyết là người lương thiện: “Ngon lắm Nở ơi! Nở ơi, từ ngày biết Nở thế mới biết thế nào là tình thương. Bao cay đắng xót xa ngẫm thân mình cút côi một kiếp tôi đòi tứ cố vô thân, chẳng cửa nhà cha mẹ, chẳng ai người xót thương mà để những mong được sống an yên dưới mái tranh nghèo vẫn trọn đời sống hiền lương…”.

Thế nhưng, lại một lần nữa chính bà Ba đã lừa phỉnh để giấc mơ ấy rách nát. Đã từng bị ám ảnh bởi mùi hương của bà Ba suốt thời trai trẻ nên phải đến khi đó anh Chí mới thực sự bừng tỉnh từ: “Nở tuy xấu xí nhưng bản chất con người lương thiện chứ không như bà xinh đẹp mà lòng dạ bất nhân. Bà đã đẩy Chí tôi xuống vũng bùn đen, để cả tổng, cả cái làng này lánh xa khinh miệt…” đến “Da thịt bà thơm quyến rũ một lần không sao quên được nhưng lòng dạ bà còn ác hơn cả Bá Kiến. Rồi Chí tôi sẽ quay lại đốt cả làng Vũ Đại này. Đốt hết hương thơm của bà rồi thực hiện giấc mơ lương thiện của tôi…”.

Ở đây, nhân vật bà Ba cũng được dịp bày tỏ nỗi lòng vì sao lại khát khao anh lực điền Chí Phèo đến thế: “Anh đã đâm một nhát dao vào chỗ đau nhất của người đàn bà, chỉ vì nghèo mà bán rẻ thân xác, lấy lão Bá hom hem. Sao anh dám coi thường tôi?”.

Và khi thấy Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở, bà Ba đã nổi giận: “Tại sao anh lại dám trêu ngươi tôi?” để rồi thêm một lần tiếp tay cho Bá Kiến tống Chí Phèo vào tù trong nỗi hận: “Tôi sẽ chặt đứt mọi giấc mơ được sống như một con người của anh. Anh sẽ mãi là thằng Chí Phèo cùng đinh mạt hạng, đừng bao giờ mơ tưởng đến 2 từ lương thiện…”.

Cái kết của vở chèo 'Cánh diều làng Vũ Đại' cần được xử lý tinh tế, có chiều sâu hơn. Ảnh: Bình Thanh

Cuộc đời Chí Phèo được cắt nghĩa từ cơn ghen của một người đàn bà nên cái kết của “Cánh diều làng Vũ Đại” khác với cái kết trong tác phẩm văn học, là: Chí Phèo tiếp tục đi tù còn Bá Kiến vẫn sống.

Bên cạnh đó, trong vở diễn có một phân cảnh kể về vợ Binh Chức, người đàn bà phải chịu sự tủi nhục, nỗi cơ cực vì phải bán thân cho Bá Kiến, những mong lo cho con có manh áo mặc, bát cơm ăn.

Nhưng lần này, vợ Binh Chức quyết phản kháng và được Chí Phèo trợ giúp. Vở diễn đã khai thác kỹ chi tiết này để làm nổi bật đặc tính “tức nước vỡ bờ” của người nông dân cùng đinh, mạt hạng khi bị áp bức đến cả thể xác.

Thế nhưng, chi tiết Chí Phèo giả say cầm dao dọa để cướp tiền của Bá Kiến (lão đêm hôm lẻn sang đòi tặng tịu với vợ Binh Chức), rồi đưa cho người đàn bà khốn khổ ấy lo cho đàn con thơ là chưa thực sự đắt giá, thậm chí còn gợi những so sánh với chi tiết rất đặc sắc trong truyện ngắn của Nam Cao: Chí Phèo cầm dao đòi mạng Bá Kiến.

Cùng với đó, phân cảnh Chí Phèo tiếp tục bị bà Ba dụ dỗ, giăng bẫy khiến cho Bá Kiến bắt quả tang để lấy cớ tống cổ vào tù cũng không phải là cái kết hay, trái lại sẽ dễ gây thắc mắc. Rõ ràng đây là câu chuyện phản ánh mâu thuẫn giữa tầng lớp nông dân cùng đinh với tầng lớp địa chủ phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Mâu thuẫn ấy chỉ có thể giải quyết bằng sự phản kháng quyết liệt của nông dân, có khi phải đánh đổi bằng tính mạng, giống như cái kết của cuộc đời Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Tất nhiên, “Cánh diều làng Vũ Đại” cho người xem một Chí Phèo dám đối đầu với bà Ba và Bá Kiến khi đã dứt hẳn cơn say và thực sự muốn làm người lương thiện. Nhưng, rất cần được xử lý tinh tế, có chiều sâu hơn cho cái kết của vở diễn để nhân vật điển hình đạt được sự phát triển tâm lý logic, thuyết phục và nâng tầm giá trị tư tưởng.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-giac-mo-cua-chi-pheo-post633584.html