Giải mã cách nói tắt của gen Z: Vì sao 2006 thành 2k6?
Nhiều người lớn tuổi ngơ ngác khi đọc câu 'Chúc mừng các bạn 2k6 hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp' bởi không hiểu tại sao 2006 lại biến thành 2k6.
Những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập những lời động viên, chúc thi tốt và chúc mừng các sỹ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những câu "chúc mừng các bạn 2k6 đã hoàn thành tốt kỳ thi trọng đại” được nhắc đi nhắc lại.
Vì sao 2006 biến thành 2k6?
2k6 là cách viết khác của con số 2006 - năm sinh của lứa học sinh vừa hoàn thành 12 năm đèn sách vào hè 2024 này. Cách viết này đã có từ lâu (chẳng hạn các lứa học trò trước cũng thường tự gọi mình là 2k5, 2k4, 2k3...), thường được dùng trong tin nhắn, trong các dòng trạng thái, bình luận trên mạng xã hội và ngày càng trở nên phổ biến trong giao tiếp của giới trẻ.
Cách viết này là kết quả của một thời kỳ bùng nổ Internet và mạng xã hội, người dùng viết ngắn gọn trên mạng, kéo theo lời ăn tiếng nói cũng ngày được rút ngắn đi. Sự thay đổi về ngôn ngữ tin nhắn, mạng xã hội dần dần ảnh hưởng đến ngôn ngữ đời sống của gen Z cũng không khác là bao so với thế hệ trước.
Chẳng hạn, thế hệ trước thay vì nói “Tôi sinh ra trong khoảng năm 1980 - 1989” thì nói gọn thành “Tôi thuộc thế hệ 8x” hoặc "tôi là 8x".
Vậy vì sao 2006 lại "biến" thành 2k6? Cách gọi này có từ khi nhân loại sắp bước vào thế kỷ 21, khi mọi người lo lắng về sự cố Y2K xảy ra ở hệ thống máy tính khi năm 2000 bắt đầu: Ngày cuối cùng của năm 1999, máy tính hiển thị con số 31/12/99 và vào ngày đầu tiên của năm 2000, số năm sẽ hiển thị 01/01/00, giống như ngày 1 tháng 1 năm 1900. Điều này sẽ làm rối tung hệ thống dữ liệu.
Để đối mặt với sự cố này, các công ty và tổ chức trên toàn thế giới đã phải kiểm tra, sửa chữa và nâng cấp hệ thống máy tính. Đây được gọi là sự kiện "Lỗi thiên niên kỷ" (Millennium Bug) và gọi tắt thành Y2K (Year 2.000). K là viết tắt của kilo để chỉ đơn vị hàng nghìn, tương tự như 1 kilobyte bằng 1.000 byte (theo hệ thập phân).
Sự cố Y2K được cả thế giới quan tâm sâu sắc nên cách gọi K chỉ số đếm cũng trở nên phổ biến toàn cầu.
Tại Việt Nam, cách viết tắt K cho các đơn vị hàng nghìn có từ những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Thời gian này, biển quảng cáo ghi giá tiền ngày càng phổ biến, và để tiết kiệm không gian, tối ưu hóa lượng thông tin, người ta viết tắt như 300.000 đồng thành 300k.
Rất nhiều cuộc tranh luận về cách viết tắt này đã nổ ra, nhiều người phản đối và cho rằng viết như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, sự tiện lợi khiến cách viết này được áp dụng phổ biến trong ngôn ngữ không chính thức.
Có ý kiến cho rằng, sự bùng nổ của điện thoại di động trong những năm 2000 - 2010 cũng là một yếu tố khiến cách viết tắt này càng thịnh hành. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới ở mức 0,3 triệu. Đến năm 2010, tổng số thuê bao di động đã ở mức 140 triệu. Lúc này, một tin nhắn bình thường được quy định có tối đa 160 ký tự. Khi sang ký tự số 161, thuê bao sẽ bị tính tiền gấp đôi. Nhiều người dùng học cách viết tắt 1.000 đồng thành 1k, ngắn gọn và tiết kiệm hơn.
Khi sử dụng mạng xã hội, nơi không hạn chế số ký tự, nhu cầu gõ nhanh khiến người dùng chuộng các lối viết tắt. Với giới trẻ, cách viết 2k3, 2k6, 200k thay vì 2003, 2006, 200 nghìn... còn là cách họ thể hiện sự khác biệt. mới mẻ, thay thế cho cách viết truyền thống chuẩn chỉ.
Thế hệ gen Z lớn lên gắn liền với mạng xã hội, chưa từng biết cuộc sống không có internet là thế nào. Người trẻ học ngôn ngữ, cách giao tiếp một phần thông qua trang mạng xã hội, nơi các dạng viết tắt cực kỳ phổ biến; cách ăn nói của họ cũng trở nên ngắn gọn như cách nhắn tin. Không có mấy gen Z tự giới thiệu với bạn bè rằng “Tôi sinh năm 2006” mà thường sẽ nói “Tôi 2k6”.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giai-ma-cach-noi-tat-cua-gen-z-2006-bien-thanh-2k6-ar880446.html