Giải đáp câu hỏi khó của học sinh lớp 12: 'Nên học ngành gì, làm nghề nào?'

Rất nhiều học sinh lớp 12 hiện còn hoang mang chưa biết nên theo học ngành gì hay làm nghề nào. Cần làm gì để định hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh cuối cấp là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc chọn sai nghề nghiệp dẫn đến năng lực bản thân bị thui chột, tinh thần chán nản, mệt mỏi, không thành công. Vì thế việc định hướng nghề nghiệp là việc làm rất quan trọng mở ra hướng đi trong tương lai cho học sinh.

Theo cô giáo Nguyễn Phương Hà – Giáo viên trường THPT Newton thì việc định hướng nghề nghiệp là việc cần phải làm sớm chứ không phải đến khi học sinh học lớp 12 mới làm. Tuy nhiên, không có thời điểm nào là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu những thứ mình yêu thích.

Trong việc lựa chọn một hướng đi cũng vậy, bất kể là già trẻ lớn bé cũng đều có quyền mơ ước và nỗ lực không ngừng để tìm kiếm thành công. Thời gian luôn là phép thử để xem ai sẽ trở nên thành công trước, ai hiểu rõ mình sớm sẽ có lựa chọn tốt hơn và không phải tốn quá nhiều thời gian cho việc tìm ra lối đi cho tương lai.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội thực tập tại nhà máy.

“Tôi cho rằng học sinh ngay từ khi bước vào cấp 3 là độ tuổi đẹp để bắt đầu những bước đi đầu tiên của hành trình xác định hướng đi cho ngành nghề hay công việc mình theo đuổi.

Hiện nay vẫn nhiều người nhầm tưởng rằng định hướng nghề nghiệp là khi các em chuẩn bị đăng ký thi tốt nghiệp THPT mới làm. Điều này là sai lầm.

Định hướng nghề nghiệp phải làm ngay từ khi các em mới lên lớp 10 thậm chí làm sớm hơn thế nữa. Lúc này giáo viên trong nhà trường phải giải đáp, đối thoại với phụ huynh và học sinh xem các em có thiên hướng chọn ngành nghề tương lai theo khối ngành khoa học hay xã hội để phù hợp với năng lực, sở trường của các em.

Từ đó giáo viên có kế hoạch giảng dạy hiệu quả như dạy trên lớp, dạy theo chuyên đề, dạy tích hợp trong các môn”, cô Hà cho hay.

Cũng theo cô Hà, trong suốt quá trình dạy học giáo viên cũng phải có kế hoạch giải thích cho học sinh về nghề nghiệp tương lai. Cùng với đó, nhà trường cũng nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh trong năm học như: Thăm các nhà máy, công xưởng, tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, ngày hội khởi nghiệp, đến tham quan các bệnh viện, trường đại học...

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục hướng nghiệp khác cho rằng, có rất nhiều điểm cần lưu ý khi chúng ta lựa chọn ngành nghề song các em học sinh cần cân nhắc hai yếu tố chính.

Thứ nhất, việc lựa chọn ngành xuất phát từ việc cân nhắc nghề nghiệp theo cá tính, tính cách và giá trị mà mình mong muốn. Vì nghề đi theo mình suốt cuộc đời nếu không phù hợp thì mình sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và cũng rất khó để thành công, thăng tiến bền vững trong sự nghiệp.

Thứ 2, khi chúng ta lựa nghề thì cần biết loại trừ được những lĩnh vực mà chúng ta thực sự không có năng lực hay không hiểu biết về nó. Trên cơ sở lĩnh vực, tiếp đến chúng ta chọn ngành, chọn nghề và cuối cùng là chọn trường.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/giai-dap-cau-hoi-kho-cua-hoc-sinh-lop-12-nen-hoc-nganh-gi-lam-nghe-nao-275629.html