Giải bài toán sắp xếp tài sản công dôi dư tại Thanh Hóa

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh chiều 9/7, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa đã giải trình một số khó khăn vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp sắp xếp tài sản công dôi dư sau sáp nhập.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị người chất vấn và người trả lời chất vấn phải đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục, những tồn tại, hạn chế.

Đăng đàn vào buổi chiều 9/7, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ đã trả lời chất vấn nội dung quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư, xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập, trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục nghề nghiệp.

Đồng hành với ông Tứ nội dung trên có phần trả lời, làm rõ thêm của người đứng đầu Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội và Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực Nguyễn Văn Thi.

Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp và công khai số điện thoại đường dây nóng để cử tri theo dõi và đặt câu hỏi

Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp và công khai số điện thoại đường dây nóng để cử tri theo dõi và đặt câu hỏi

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài chính, giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp, làm giảm 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác. Sau sáp nhập, sắp xếp, có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Đến nay, 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý; 82 cơ sở nhà đất dôi dư chưa có phương án sắp xếp.

Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản để lên phương án sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư; bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ông Tứ thừa nhận, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư triển khai chậm, gây lãng phí và đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Tứ, Thanh Hóa là địa phương có số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại rất lớn, địa bàn rộng, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu cơ sở pháp lý nên rất khó thực hiện. Quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập; quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

Giai đoạn 2019-2022, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến công tác triển khai kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để lập, thẩm định và phê duyệt phương án. Vì vậy, việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất không đạt được tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Về chủ quan, ông Tứ cho rằng, đã có sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động của các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, xử lý tài sản công UBND tỉnh. Việc sắp xếp lại xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ thuộc vào tiến độ rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác đang còn chậm.

Việc theo dõi tài sản công trải qua nhiều năm không được chú trọng, khi thực hiện rà soát, lập phương án mới phát hiện nhiều thiếu sót, đặc biệt là hồ sơ pháp lý nên quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Đối với trách nhiệm để tài sản công dôi dư lãng phí thời gian dài, ông Tứ thẳng thắn thừa nhận có phần của Sở Tài chính (đơn vị thường trực trong tham mưu, giải quyết, xử lý tài sản công dôi dư) và Giám đốc Sở Tài chính. Đồng thời, còn có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có tài sản dôi dư.

Theo ông Tứ, việc xắp xếp, xử lý tài sản công còn gặp nhiều vướng mắc từ quy định pháp luật

Theo ông Tứ, việc xắp xếp, xử lý tài sản công còn gặp nhiều vướng mắc từ quy định pháp luật

Trả lời chất vấn cụ thể của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa về nguyên nhân dẫn đến việc chậm xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập, Giám đốc Sở tài chính Nguyễn Văn Tứ đã dẫn chứng một số ví dụ về vướng mắc từ quy định của pháp luật như hiện chưa có quy định về việc thanh lý, phá dỡ tài sản gắn liền với đất trước khi thực hiện trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản công là quyền sử dụng đất. Do đó, khi đấu giá quyền sử dụng đất phải gắn liền với bán tài sản trên đất, phải đấu giá cả mặt bằng, không thực hiện theo hình thức phân lô bán nền, nhà đầu tư trúng đấu giá phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá dù không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được. Đây là lý do chủ yếu gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương khi thực hiện phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại các phương án sắp xếp lại,xử lý nhà, đất đã được duyệt.

“Khi đấu giá tài sản thì quy định không được phép phá dỡ tài sản, đặc biệt các huyện miền núi, tài sản nằm ở vùng khó khăn, có tính thương mại không cao nên các nhà đầu tư ít quan tâm", ông Tứ cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng điều hành phiên chất vấn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng điều hành phiên chất vấn

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn (huyện Hậu Lộc) nêu vấn đề, đối với các công trình nhà văn hóa có nguồn gốc từ việc hiến đất của người dân, do nhân dân đóng góp kinh phí để xây dựng thì tiền bán tài sản sẽ được sử dụng như thế nào? Số tiền trên có hỗ trợ cho khu dân cư để xây dựng các nhà văn hóa mới hoặc các công trình của thôn hay không?

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc chất vấn

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc chất vấn

Cho rằng, ý kiến của đại biểu Tuấn đưa ra rất xác đáng, gắn với quyền lợi của người dân ở các thôn bản, khu phố, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ nói, về nguyên tắc, khi bán tài sản của nhà nước thì phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Số tiền này được phân ra các cấp ngân sách khác nhau từ xã, huyện đến tỉnh. Do đó, ông Tứ đề nghị khi đầu tư trở lại theo Luật Đầu tư công thì các cấp ngân sách, ở đây là xã, huyện phải ưu tiên chi cho các công trình của người dân ở thôn, bản, khu phố.

Ông Tứ cũng cho biết, giải pháp thời gian tới để xử lý tài sản công dôi dư là kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý tài sản công dôi dư; chính quyền cấp huyện phải xem việc xử lý tài sản công dôi dư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi khi xây dựng phương án sử dụng tài sản...

Làm rõ thêm về vấn đề tài sản công dôi dư, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết để xử lý tài sản công dôi dư, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo riêng, đồng thời tính đến tháng 7 đã tổ chức đến 12 cuộc họp. Ông Thi cũng thừa nhận trong quá trình xử lý tài sản công dôi dư có tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến xử lý, sắp xếp tài sản công

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến xử lý, sắp xếp tài sản công

“Giám đốc Sở Tài chính, các Phó giám đốc Sở sâu sát nhưng tôi đề nghị phải bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn tốt để tham mưu cho ban chỉ đạo để làm đúng, làm trúng. Nếu cán bộ tham mưu ban đầu không chuẩn, có những việc họp đến 10 lần vẫn chưa giải quyết được”, ông Thi nói.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn về thực trạng tài sản công dôi dư lãng phí, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xử lý, sắp xếp tài sản công dôi dư.

Về phần chất vấn Giám đốc Sở Tài chính, ông Hưng đánh giá, các đại biểu đã nêu câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng và bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND. Các nội dung chất vấn của các đại biểu đã được Giám đốc Sở Tài chính trả lời đúng trọng tâm, không né tránh.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/giai-bai-toan-sap-xep-tai-san-cong-doi-du-tai-thanh-hoa-d200020.html