Giấc mơ trở thành hiện thực nơi biên giới Châu Khê

Sau nhiều năm mong chờ, hàng trăm hộ dân ở các bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Có điện 'về', cuộc sống của người dân sống giữa đại ngàn Pù Mát khởi sắc về mọi mặt.

Có điện lưới, người dân ở bản Khe Bu có điều kiện được xem truyền hình. Ảnh: Viết Lam

Có điện lưới, người dân ở bản Khe Bu có điều kiện được xem truyền hình. Ảnh: Viết Lam

Bản Khe Bu, bản Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng cách trung tâm xã Châu Khê khoảng 15km, có trên 400 hộ dân, với gần 900 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái và tộc người Đan Lai sinh sống. Từ trước đến nay, nguồn sinh kế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản. Trong điều kiện giao thông cách trở, chưa có điện lưới quốc gia, việc phát triển kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm trước, chính quyền địa phương cũng như ngành điện lực chưa thể đầu tư nâng cấp đường giao thông và hạ thế điện lưới vào hai bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng do Dự án thủy điện Suối Choang nằm trên địa bàn chậm tiến độ đề ra. Theo tính toán, khi công trình thủy điện đi vào hoạt động, trục đường giao thông độc đạo vào địa bàn của đồng bào dân tộc Thái và tộc người Đan Lai sinh sống sẽ bị nhấn chìm. Theo cam kết khi thực hiện dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm mở một con đường khác để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh của người dân địa phương. Nhưng sau hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành, trục đường mới chưa được mở khiến việc kéo điện lưới cũng không thể thực hiện được.

Mặc dù trước đó, ngành điện lực tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện về hạ tầng, kéo đường dây tại hai bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng để chờ trục đường qua Dự án thủy điện Suối Choang mở ra sẽ hoàn thiện đấu nối, “đóng điện” phục vụ nhân dân. Nhưng công trình thủy điện Suối Choang chậm tiến độ đã làm cho quá trình “đưa điện” về khu vực dân cư biên giới bị gián đoạn.

Tháng 9/2023, trong chuyến công tác tại địa bàn định cư của đồng bào dân tộc Thái và tộc người Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát, chúng tôi ghi nhận những bất cập, sự khát khao, mong chờ điện lưới của người dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An phản ánh mong muốn chính đáng của người dân địa phương. Ngay sau đó, ông Bành Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An đã làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại địa bàn, đưa ra cam kết với nhân dân địa phương: “Ngành điện lực sẽ không phụ thuộc vào tiến độ mở đường của Dự án thủy điện Suối Choang, thay vào đó sẽ “cắt rừng” thi công, sớm hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng “đóng điện” phục vụ cuộc sống của nhân dân biên giới”.

Mặc dù dịp cuối năm 2023, thời tiết không thuận lợi, song cán bộ, nhân viên ngành điện lực đã khắc phục khó khăn, bám rừng núi để hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lời hứa với nhân dân. Dịp Tết Nguyên đán 2024, những hộ dân đầu tiên đã vui mừng khôn tả khi lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến tháng 4/2024, điện lưới được đấu nối, cung cấp tới tất cả các hộ gia đình, điểm trường, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các khu dân cư ở khu vực biên giới. Có điện lưới, cuộc sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân biên giới đã thực sự khởi sắc. Nhiều gia đình tại các bản làng đã mua ti vi, tủ lạnh, máy xát lúa để sử dụng cũng như phục vụ kinh doanh. Đêm đến, bản làng ở khu vực biên giới bừng sáng ánh điện, âm thanh của loa đài, ti vi từ các nhà dân phát ra vui nhộn.

Học sinh tại điểm trường mầm non bản Khe Bu vui vẻ khi thấy ánh điện chiếu sáng. Ảnh: Viết Lam

Học sinh tại điểm trường mầm non bản Khe Bu vui vẻ khi thấy ánh điện chiếu sáng. Ảnh: Viết Lam

Ông La Văn Nam, Trưởng bản Khe Bu cho biết: “Sau rất nhiều năm mong đợi, cuối cùng bà con cũng được sử dụng điện lưới quốc gia. Có điện, bà con rất vui mừng, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần, việc học tập của con em đều thuận lợi hơn rất nhiều”. Trong điều kiện thời tiết mùa Hè nắng nóng, ở điểm trường mầm non bản Khe Bu có quạt điện phục vụ tốt cho việc học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh. “Từ khi có điện lưới, chúng tôi đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất để phục vụ cho việc học tập, vui chơi, ngủ nghỉ của các cháu được tốt hơn. Nhờ đó, việc đến trường của các cháu cũng đều đặn hơn nhiều” – cô Dương Thị Thúy, giáo viên điểm trường mầm non bản Khe Bu cho biết.

Khi có điện lưới, không chỉ nhân dân mà quá trình sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Khe Bu, Đồn Biên phòng Châu Khê, BĐBP Nghệ An cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, cán bộ BĐBP thường đến tận từng hộ gia đình hoặc thông qua các buổi họp dân. Nhưng từ khi có điện lưới, BĐBP đã có thêm hình thức tuyên truyền mới, đó là xây dựng các nội dung tuyên truyền, phối hợp với ban quản lý các bản để phát hằng ngày thông qua hệ thống loa phát thanh ở địa phương bằng tiếng phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có điện lưới, người dân có điều kiện nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức và nhận thức pháp luật.

Thiếu tá Trần Văn Phương, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Châu Khê được bố trí tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Khe Bu với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Khi được hỏi, Thiếu tá Phương chia sẻ: “Trước đây, quá trình sơ cứu, chữa bệnh cho nhân dân khi ốm đau, tai nạn lao động trong buổi tối thường rất khó khăn. Giờ ở trạm Biên phòng hay nhà dân đều có điện lưới nên việc cứu chữa cho người bệnh trở nên thuận lợi hơn”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giac-mo-tro-thanh-hien-thuc-noi-bien-gioi-chau-khe-post475698.html