Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân gặp khó

Theo ước tính của ngành Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm nhu cầu của nông dân trong tỉnh cần gần 460.000 tấn phân bón vô cơ, gần 690.000 tấn phân hữu cơ, phân sinh học; hơn 400 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại và hơn 4.300 tấn giống cây trồng nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường các loại vật tư nông nghiệp biến động mạnh, giá phân bón tăng 2,5 lần so với năm trước; thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 15-20%; giá giống cây trồng cũng tăng 10%. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chi phí trong vụ sản xuất năm nay.

Vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá

Hằng năm, vào thời điểm này, các cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tự nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp người ra vào mua thuốc trừ cỏ, phân bón cho lúa đông xuân và mua phân bón lót chuẩn bị cho vụ gieo trồng trên nương, nhưng năm nay thưa thớt người mua.

Nông dân thành phố Sơn La mua phân bón cho cây trồng.

Cửa hàng bán vật tư nông nghiệp của Công ty TNHH Thanh Sơn tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, là đơn vị có nhiều năm kinh doanh, phân phối, cung ứng phân bón các loại cho thị trường toàn tỉnh. Ông Chu Đình Quân, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn, cho biết: Hằng năm, Công ty cung ứng hơn 20.000 tấn phân bón các loại cho thị trường toàn tỉnh. So với năm ngoái, giá phân bón tăng 2,5 lần, như phân đạm Hà Bắc thời điểm này năm ngoái giá chỉ có 6.200-6.500 đồng/kg, thì bây giờ đang bán với giá giao động từ 16.000-17.000 đông/kg; mà phân đạm lại là đầu vào để sản xuất phân bón lót NPK dẫn đến kéo theo giá NPK tăng theo. Hiện, phân bón lót NPK Lâm Thao, Văn Điển đang bán với giá trên 6.000 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Bên cạnh giá phân bón tăng cao, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng giá cũng tăng so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lân Tuyển, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cho biết: Ngoài giá phân bón tăng cao, năm nay, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 15-20%. Giá ngô giống cũng tăng, hiện tại giá các loại giống ngô nhập khẩu có giá từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg; đối với giống ngô nội địa khoảng 50.000 đồng/kg. Thông tin từ các nhà máy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên liệu đầu vào khan hiếm; bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng, đội thêm giá chi phí vận tải, nên đẩy giá lên cao. Giá tăng ảnh hưởng đến lượng bán ra, giảm 30% so với mọi năm.

Còn tại huyện Sốp Cộp, do thêm chi phí vận chuyển, nên giá vật tư nông nghiệp thường cao hơn so với các địa phương khác; phân đạm thường có giá phổ biến trên 17.000 đồng/kg, phân NPK giá phổ biến trên 6.700 đồng/kg, thuốc bảo vệ thực vật tăng hơn 20%. Bên cạnh đó, giá giống cây trồng cũng tăng cao.

Ông Lò Văn Châu, Giám đốc HTX Châu Thinh, chuyên cung ứng, phân phối giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện, thông tin: Trong 2 năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp tăng rất cao, năm nay tiếp tục tăng; do giá tăng cao nên người dân cũng ít mua, lượng tiêu thụ của cửa hàng cũng giảm hơn. Thóc, ngô giống năm nay cũng tăng cao, giống lúa nếp 86, 87 năm ngoái 18.000 đồng/kg, hiện nay tăng lên 25.000 đồng/kg; ngô giống cũng tăng trên 10.000/kg, giá phổ biến từ 50.000-120.000 đồng/kg.

Chủ đại lý, cơ sở kinh doanh và người dân cùng nhận định, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhất là phân đạm, mà phân đạm là đầu vào của. Giá tăng, không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất, chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp do lượng mua của người dân cũng giảm.

Người nông dân gặp khó

Hiện nay, bà con nông dân đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất cây trên nương, với cây trồng hằng năm, lợi nhuận thấp, chủ yếu lấy công làm lãi; nay giá giống, phân bón tăng cao, càng gây bất lợi cho sản xuất. Theo tính toán của nhiều nông dân, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật chiếm từ 30%-40%, thậm chí cao hơn nếu có dịch, bệnh trên cây trồng bùng phát. Vì vậy, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu vụ và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, nông dân chủ yếu thu nhập từ gieo trồng ngô. Cả xã có tổng diện tích gần 700 ha, tổng sản lượng hằng năm đạt gần 4.200 tấn. Thời điểm này, bà con đang phát thực bì, làm đất chuẩn bị gieo trồng ngô vụ hè thu, nhưng giá giống, vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều nông dân băn khoăn, lo lắng. Anh Tòng Văn Nam, bản Ái, cho biết: Hằng năm, gia đình tôi gieo hơn 70kg ngô giống, sử dụng 4 tấn phân bón NPK, 1 tấn phân đạm, chi phí thuốc bảo vệ thực vật khoảng 5 triệu đồng. Nếu nhân với giá năm ngoái, chi phí giống, phân bón đã hết gần 40 triệu. Năm nay, giá giống, phân bón tăng quá cao như này, chúng tôi đang phải tính giảm lượng bón phân, tuy nhiên lại lo năng suất, chất lượng ngô không đạt.

Nông dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp bón phân cho lúa.

Bà con nông dân cấy lúa của huyện Sốp Cộp cũng đang loay hoay tính toán cân đối để giảm lượng phân bón, nhưng lại sợ mất mùa vì hiện nay lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đến thời kỳ bón thúc, mà giá phân đạm năm nay tăng gấp 2,5 lần. Anh Lò Văn Khoan, ở bản Tông Hùm, xã Mường Và, chia sẻ: Vụ này, gia đình gieo cấy gần 3.000 m² lúa, đang trong thời kỳ cần bón phân. Nhưng năm nay, do giá phân bón tăng quá cao, gấp đôi giá năm ngoái, trước bán 1 kg thóc mua được 1 kg đạm, bây giờ bán 3 kg thóc mới mua được 1 kg đạm, vì vậy gia đình đang tính giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh so với mọi năm; chúng tôi đang lo việc giảm lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa.

Giải pháp bảo đảm cho sản xuất

Thời gian qua, các ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y và thủy sản đối với 164 cơ sở, đã phát hiện, xử lý 21 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 72,6 triệu đồng. Buộc thu hồi để tái chế và tiêu hủy hơn 70 lít thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và hết hạn sử dụng; buộc thu hồi để tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 10 tấn phân bón không đảm bảo chất lượng...

Ông Dương Gia Định, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Bà con nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân; đúng nhu cầu sinh lý của cây; đúng nhu cầu sinh thái; đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ... để ủ tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất, đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường sinh thái...

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, cho biết: Trước thực trạng giá đầu vào vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng tăng cao, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong trồng trọt, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân bón vô cơ. Sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo định mức tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng phải phun thì mới phun. Sử dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, đó là: biện pháp sinh học, dùng đấu tranh sinh học và phòng trừ sinh học; biện pháp kỹ thuật, chọn giống khỏe; biện pháp canh tác kết hợp truyền thống và hiện đại; biện pháp sử dụng hóa chất khi cần thiết và hợp lý...

Bên cạnh đó, trong thời gian này, Sở đã chỉ đạo Thanh tra của Sở phối hợp với Quản lý thị trường, Công an tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trên trên địa bàn tỉnh, niêm yết giá công khai và không để xảy ra tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao, góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/gia-vat-tu-nong-nghiep-tang-cao-nong-dan-gap-kho-48405