Giá vàng hôm nay 8/12: Thế giới vượt mức hỗ trợ 1.850 USD/ounce, vàng vào chu kỳ tăng giá?
Giá vàng thế giới đã bất ngờ bật tăng vọt sau phiên đầu tuần trượt giá. Giới chuyên gia nhận định, vàng vẫn còn dư địa tăng giá do thị trường đang hồi hộp chờ gói kích thích kinh tế Mỹ được thông qua.
Vàng đã trải qua ngày giao dịch ảm đạm (7/12) và có sự sụt giảm nhẹ khi thị trường lạc quan về việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 tại Anh và đồng USD đã thoát khỏi mức thấp nhất trong nhiều năm. Đến 22h ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco bất ngờ đảo chiều tăng vọt.
Cụ thể, giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức 1.861,3 - 1.862,3 USD/ounce,tăng 23,2 USD, tương đương 1,26% so với phiên giao dịch liền kề.
Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 7/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở 54,65 - 55,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cùng tăng 100.000 đồng so với phiên giao dịch sáng 7/12. Chênh lệch giá mua và bán hiện đang ở mức 550.000 đồng.
Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,85 - 55,20 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ổn định đi ngang hiện niêm yết ở mức giá 53,28 - 54,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Cập nhật giá vàng sáng 8/12:
Đến 9h sáng 8/12, giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức 1.865,6 - 1.866,6 USD/ounce, tăng thêm 3,6 USD. Giá vàng trong nước cũng tăng cùng chiều với thế giới. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở 55,05 - 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cùng tăng 400.000 đồng so với phiên giao dịch chiều 7/12. Chênh lệch giá mua và bán hiện đang ở mức 550.000 đồng.
Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,68-54,43 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ổn định đi ngang hiện niêm yết ở mức giá 55,12 - 55,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Nhận định về biến động giá vàng trong phiên giao dịch đầu tuần, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhấn mạnh,cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tập trung vào các cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, phiên họp này không chạy trơn tru như mong đợi và đó là lý do vì sao vàng giảm giá, đồng USD tăng giá so với Euro.
Thêm vào đó, thông tin Anh trở thành quốc gia đầu tiên lưu hành vaccine ngừa Covid-19 của hai "gã khổng lồ" dược phẩm Pfizer và BioNTech đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng. Ngoài ra, việc các quỹ ETF vàng giảm lượng vàng nắm giữ cũng là "thủ phạm" khiến kim loại quý trượt giá.
Theo Kitco News, dù đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần nhưng kim loại quý vẫn còn tia hy vọng bật tăng. Hiện tại, các cuộc đàm phán về một gói hỗ trợ mới cho gia đình và doanh nghiệp Mỹ đang “tăng tốc” tại Quốc hội nước này, trong bối cảnh một nhóm các nhà lập pháp từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tập trung thảo luận để hoàn thiện dự luật mới trị giá 908 tỷ USD.
Một lượng lớn USD được bơm vào nền kinh tế sẽ gia tăng sức ép với tỷ giá USD, mở ra khả năng tăng giá cho vàng.
Bên cạnh đó, báo cáo việc làm đáng thất vọng trong tháng 11 tại Mỹ là bằng chứng cho thấy Chính phủ nước này và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa để vực dậy nền kinh tế đang bị suy thoái.
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, 245.000 việc làm đã được bổ sung trong tháng 11, con số này kém xa kì vọng của các nhà kinh tế.
Tiến sĩ Deborah Birx, Điều phối viên Nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cũng cảnh báo sự gia tăng của Covid-19 có thể là sự kiện khó khăn nhất trong lịch sử Mỹ, khi các hệ thống bệnh viện trên khắp đất nước phải "gồng mình" để chống lại số ca tử vong mỗi ngày. Vì vậy, vàng vẫn giữ vững vai trò là tài sản trú ẩn an toàn.
Vẫn "rộng cửa" tăng giá?
Theo ông Sean Lusk, Giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đồng loạt đưa ra các biện pháp bổ sung tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế và động thái này sẽ không sớm kết thúc. Thời gian tới, giá vàng có khả năng tăng lên mức 1.900 USD/ounce.
Giám đốc mảng vàng và bạc tại Metals Focus Neil Meader thì nhận định, thị trường vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích hơn nữa, lợi suất trái phiếu thấp và áp lực lạm phát gia tăng.
"Song song với đó, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nắm quyền điều hành nước Mỹ, mối quan hệ Mỹ -Trung Quốc có thể vẫn còn nhiều thách thức. Đồng thời, rủi ro địa chính trị vẫn tồn tại ở những nơi khác. Tất cả những yếu tố này, cùng với kỳ vọng lạm phát gia tăng, sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vàng, khiến giá kim loại quý có thể tăng lên mức 2.030 USD/ounce vào năm 2021", Giám đốc Neil Meader nói.
Còn theo ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda Corp, triển vọng về gói kích thích là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng của kim loại quý. "1,850/ounce vẫn là mức kháng cự rất mạnh và sự bứt phá của vàng qua vùng này sẽ là tín hiệu đáng mừng cho bên mua, mặc dù nhiều thách thức ngắn hạn vẫn còn tồn tại", nhà phân tích Craig Erlam nhấn mạnh.
Các nhà phân tích cũng khẳng định, mặc dù thông tin tích cực về quá trình phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19 có thể khiến vàng giảm giá nhất thời, để phục hồi, nền kinh tế đang bị tổn thương còn mất rất nhiều thời gian và giá vàng cũng không vì thế mà trở nên kém hấp dẫn.
(theo Reuters, Kitco News)